Kinh tế

Sẽ luật hóa tội kinh doanh đa cấp trái phép

Dù bị siết chặt hoạt động, giảm mạnh thành viên trong năm 2016, các công ty đa cấp vẫn gây choáng với doanh thu khủng lên tới hơn 7.800 tỷ đồng. Bộ Công Thương cho biết, sẽ đề xuất đưa tội “kinh doanh đa cấp trái phép” vào Bộ luật Hình sự nhằm ngăn chặn tình trạng dân nghèo bị vòi bạch tuộc đa cấp tấn công.

Kinh doanh đa cấp vẫn thu tiền khủng

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về quản lý kinh doanh đa cấp mới đây, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, trước sự “truy quét” quyết liệt của cơ quan quản lý, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tính đến cuối năm 2016 đã giảm xuống còn 637.637 người, giảm 212.363 người so với cuối năm 2015.

Riêng với công ty đa cấp tai tiếng và có quy mô lớn nhất thị trường là Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, tính đến hết tháng 4/2017, sau khi tiến hành chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, số lượng người tham gia công ty này giảm xuống còn 472.000 người, giảm 44% so với cuối năm 2015.

Cùng với việc giảm số người tham gia, tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2016 cũng giảm 200 tỷ, đạt khoảng 7.800 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng đa cấp chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng (59%) và mỹ phẩm (24%). Doanh thu từ đồ gia dụng chiếm 6,6%, doanh thu từ quần áo thời trang chiếm 2%, doanh thu từ thiết bị chiếm 0,5%, còn lại 8,2% là các mặt hàng khác.

Dù đạt doanh thu lớn nhất thị trường nhưng đóng góp về thuế, ngân sách của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy không cao. Ảnh: Như Ý.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, thực tế cũng cho thấy, đóng góp của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tạo ra thu nhập và việc làm không rõ ràng. Cụ thể, tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp nếu chia đều cho gần 640 ngàn người tham gia hệ thống thì thu nhập bình quân của người tham gia bán hàng đa cấp là không đáng kể, chỉ khoảng 3,8 triệu đồng/người/năm.

Trong số gần 640 ngàn người tham gia bán hàng đa cấp, chỉ có một tỷ lệ nhỏ bán hàng thực sự. Số còn lại hầu như không tham gia bán hàng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có doanh thu rất cao nhưng tỷ lệ lợi nhuận trước thuế/doanh thu rất nhỏ (như Công ty Amway chỉ đạt 3,8%, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy chỉ đạt 0,5%). Đóng góp của các doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước không đáng kể, chủ yếu đến từ thuế giá trị gia tăng do người tiêu dùng chi trả, không phải từ thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Hoạt động bán hàng đa cấp chủ yếu dựa vào thực phẩm chức năng và mỹ phẩm (chiếm 83% doanh thu, trong đó thực phẩm chức năng chiếm tới 59%). Có thể nói, nếu không có thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, bán hàng đa cấp sẽ rất khó tồn tại”, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay.

Cho rằng, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm là những mặt hàng rất khó xác định giá trị thật nên rất dễ xảy ra tình trạng giá bán “trên trời”, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, tuy các giao dịch đều được thực hiện trên nguyên tắc “thuận mua, vừa bán”, Nhà nước không thể can thiệp, nhưng đây là yếu tố đáng chú ý, cần được tuyên truyền rộng rãi để người dân biết.

Chế tài bằng Luật Hình sự

Thừa nhận hoạt động bán hàng đa cấp xuất hiện những diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự và cuộc sống của người dân trong thời gian nửa sau năm 2015, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Công Thương lập các đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật trong quản lý thực phẩm chức năng của các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp.

Bộ Công an cũng đã chỉ đạo các lực lượng công an ở địa phương chủ động nắm bắt tình hình, tiến hành điều tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động đa cấp, tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp kinh doanh không phép hoặc lợi dụng mô hình đa cấp để huy động tài chính trái phép.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, thời gian vừa qua, nhiều đối tượng vẫn sử dụng phương thức này để huy động tài chính, mời gọi đầu tư hay để tiếp thị các sản phẩm vô hình như tiền ảo. Sở dĩ có tình trạng này là do ta đã bỏ tội “kinh doanh trái phép” trong Bộ luật Hình sự.

Vì vậy, khi phát hiện được hành vi, các cơ quan chức năng cũng không thể xử lý bởi không có căn cứ để xử lý. Chỉ đến khi các dấu hiệu lừa đảo đã tương đối rõ, hậu quả đã phát sinh mới có thể vào cuộc để xử lý theo tội lừa đảo. Nếu còn quy định tội “kinh doanh trái phép” trong Bộ luật Hình sự, cơ quan công an đã có thể vào cuộc sớm hơn và xã hội đã không bức xúc với hoạt động đa cấp đến vậy.

“Để có cơ sở xử lý các hành vi đa cấp trái phép, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan hữu quan đề nghị bổ sung tội danh “kinh doanh trái phép theo phương thức đa cấp” vào Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi).

“Đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với chủ trương bổ sung tội danh về vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vào Bộ luật Hình sự 2015. Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét”, ông Trần Tuấn Anh cho hay.

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan thuế cần phải quản lý tốt hơn nữa doanh thu của các công ty đa cấp. Cụ thể phải kiểm tra kỹ các báo cáo tài chính của các công ty để phát hiện các dấu hiệu trốn thuế. Với doanh thu đạt khoảng 7.800 tỷ đồng và tiền thuế nộp về ngân sách nhà nước trong năm 2016 của các công ty đa cấp ước đạt 881 tỷ đồng, chủ yếu từ thuế VAT. Cơ quan chức năng cần kiểm tra kỹ hoạt động của các công ty đa cấp.

Tác giả: Phạm Tuyên

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok