Giáo dục

Sẽ không chọn được người giỏi vào đại học

GS. Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch hội đồng khoa học, nguyên Hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học tự nhiên, bày tỏ nhiều lo ngại về phương án thi THPT, tuyển sinh 2017

Thí sinh làm bài thi môn Văn tại kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Vnexpress


Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH 2017. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ đã chuẩn bị cho dự thảo này 3 năm nay và thí sinh cũng đã được làm quen? Tuy nhiên, GS. Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch hội đồng khoa học, nguyên Hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học tự nhiên, lại bày tỏ nhiều lo ngại về chủ trương này. GS Lương cho biết:

Theo ý kiến chung của mọi người hiện nay khi nói về các kỳ thi thường nhắc đến thành công rực rỡ, ít đi lại, không tốn kém còn chất lượng kỳ thi như thế nào lại ít được quan tâm. Trong giáo dục Việt Nam, chất lượng của 4 năm, 5 năm sau không ai chịu trách nhiệm. Nên quyết định thay đổi kỳ thi như thế nào phải có người chịu trách nhiệm kết quả 4, 5 năm sau.

Thế giới cũng đã đúc rút ra kinh nghiệm rồi. Trong vòng tròn đánh giá giáo dục, thi cử rất quan trọng. Thi mà làm tắc trách thì chất lượng sẽ giảm. Chẳng hạn hiện nay, giáo viên các trường đang kêu trời vì học sinh không chăm học. Chúng ta đang hướng tới dạy để phát triển năng lực của người học nhưng nếu lại thi trắc nghiệm thì không phù hợp với phát triển năng lực. Thi trắc nghiệm chỉ là các mẹo đối phó để thi. Nên học sinh không bao giờ phải suy luận logic hoặc tìm ra cách giải bài tập sáng tạo. Nói chung thi trắc nghiệm là rất dở, nhất là môn Toán. Nếu thi trắc nghiệm thì chất lượng giáo dục nói chung sẽ giảm. Tôi sợ rằng hình thức thi sẽ liên quan đến chất lượng giáo dục chứ không còn là chuyện đi lại, giảm tốn kém.

Tôi được biết, nhiều phụ huynh đã rất tinh khi chọn trường ĐH cho con. Ngày xưa người ta thích vào ĐH vì thi ĐH khó nhưng nay thì không thế. Thi cử là đầu vào của ĐH. Cho nên, tôi nghĩ, việc trao quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các Sở GD&ĐT là xu thế chung của thế giới. Nhưng thi vào ĐH phải cẩn thận không đầu vào ĐH sẽ yếu. Tôi nhắc lại quyết định về giáo dục 5 năm sau nếu sai, ai là người chịu trách nhiệm?

Vậy theo ông, năm tới, có thêm hai bài thi tổ hợp, thì có vội vàng không?

Tôi nghĩ, Bộ chọn thi tổ hợp để tiết kiệm đi lại. Quan trọng là thi cái gì, mức độ thế nào, có phân loại được học sinh không. Tôi chỉ băn khoăn nhất là chất lượng của kỳ thi. Quan trọng nhất là có chọn được người giỏi vào ĐH không?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết đã chuẩn bị thi trắc nghiệm, bài thi tổ hợp cũng hình thức thi này cách đây đã 3 năm. Ông nghĩ thế nào?

Việc đó là do Bộ nói, chứ tôi cũng không quan tâm. Còn theo tôi, thi trắc nghiệm đã là không hay rồi. Vì không kiểm tra được năng lực của học sinh. Tôi nghĩ, không phải cái gì được đồng thuận nhiều cũng là tốt. Phải có đột phá thì mới mạnh.

Nhưng dư luận đặt câu hỏi, thực tế, Bộ GD&ĐT chưa bao giờ công bố lộ trình đến năm 2017, thí sinh sẽ thi trắc nghiệm môn toán, sẽ có thêm hai bài tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội cũng thi trắc nghiệm?

Đúng là Bộ không có lộ trình. Nhưng tôi chỉ có một điều cần nói là làm cái gì cũng phải cẩn thận nhất là trong giáo dục. Giáo dục có cái khó là khi đưa ra chính sách đúng sai bao giờ cũng có tranh cãi. Thời gian qua, giáo dục Việt Nam có nhiều cái sai nhưng không ai chịu trách nhiệm. Có những bài học trong giáo dục mà các nước tiên tiến đã rút ra như họ dũng cảm bỏ trắc nghiệm còn Việt Nam không ai dám nói nên cũng dở.

Theo tôi, nên có hội nghị để các nhà giáo dục tranh luận và phải nhìn ra nước ngoài trước khi quyết. Tất nhiên, thi trắc nghiệm cũng có cái hay nhưng về lâu dài thì không ổn.

Trong giáo dục Việt Nam, chất lượng của 4 năm, 5 năm sau không ai chịu trách nhiệm. Nên quyết định thay đổi kỳ thi như thế nào phải có người chịu trách nhiệm kết quả 4, 5 năm sau.

GS Nguyễn Vũ Lương


Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Nghiêm Huê

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok