Hiện chưa thống kê được diện tích và ước tính thiệt hại do bệnh gây ra trên cây sầu riêng, nhưng kết quả khảo sát bước đầu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, hầu hết các vườn cây sầu riêng bị nhiễm bệnh với tỷ lệ hại khoảng từ 70 - 80%. Cây sầu riêng bị bệnh có biểu hiện đốm lá, cháy khô lá, chết ngược từ cành ngọn xuống cành gốc, nứt thân, thối cành, xì mủ, và có tốc độ lây lan nhanh…
Địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất là xã Ea Yông với diện tích trên 500 ha sầu riêng được trồng xen canh trong các lô cà phê. Theo nhận định ban đầu của địa phương, do thời tiết bất thường, mưa lớn kéo dài khiến cây bị nhiễm nấm. Hiện nay, chính quyền địa phương đang vận động người dân tiêu hủy cây sầu riêng bị bệnh nặng, sử dụng các loại thuốc chống nấm để cứu chữa vườn cây.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, Lê Văn Thành cho hay, đến thời điểm này việc cây sầu riêng chết hàng loạt tại các xã của huyện Krông Pắk đang được làm rõ nguyên nhân. Chi cục cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn lấy mẫu rễ, thân, lá cành của cây sầu riêng gửi về các viện, trường để phân tích.
Để ngăn chặn bùng phát lây lan và giảm thiệt hại do bệnh gây ra trên cây sầu riêng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk có văn bản đề nghị công ty TNHH MTV Cà phê - Ca cao tháng 10 và Công ty Cà phê Phước An, kết hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện Krông Pắk hướng dẫn người dân tiêu hủy lá thân, cành cây sâu riêng bị bệnh nặng, xử lý bằng vôi bột xung quanh gốc cây sầu riêng để không lây lan mầm bệnh.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng khuyến cáo bà con nông dân sử dụng các loại thuốc phòng trừ nấm như: Phytopphtora, Rhizoctonia, vi khuẩn…Tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, phân bón qua lá có hàm lượng phân đạm cao đối với những vườn sầu riêng đang nhiễm bệnh.
Sầu riêng được trồng tại huyện Krông Pắk từ năm 2004, đây là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện địa phương đã phát triển được gần 1.000ha, chủ yếu là sầu riêng ghép giống Dona, Mong Thong, Ri6…được trồng xen trong vườn cà phê. Vụ sầu riêng năm 2016 vừa qua, năng suất bình quân đạt 22 - 25 tấn/ha. Sầu riêng được thương lái đến tận vườn mua với giá giao động từ 38.000 đến 45.000 đồng/kg. Nhiều hộ trồng sầu riêng ở Krông Pắk có thu nhập cao từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, từ trước Tết đến nay loại cây “bạc tỷ” này đang chết hàng loạt, khiến nhiều hộ dân lao đao.
Trước thực trạng cây sầu riêng chết hàng loạt gây thiệt hại lớn về kinh tế, người nông dân mong chờ các ngành chức năng sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu, giúp người dân yên tâm chăm sóc vườn cây, góp phần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế địa phương.
Tác giả bài viết: Phạm Cường/TTXVN