Dù lý do nào, việc giáo viên đánh học sinh trong lớp học luôn bị xã hội lên án. Ảnh minh họa: TL
Đánh học sinh chỉ vì… muốn tốt
Những ngày gần đây, sự việc thầy giáo Trần Văn Bình (Giáo viên chủ nhiệm lớp 4B, Trường tiểu học Kim Lân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đánh học sinh ngay trên bục giảng khiến dư luận không khỏi sốc. Sự việc bắt nguồn từ ngày 7/10, học sinh Lo Vi Đăng, lớp 4B trong tiết học của thầy Bình do lên bảng không viết bài được nên đã bị thầy Bình đánh. Đăng về nhà trong tâm trạng lo sợ, khóc vì bị đánh đau nên gia đình đã đưa đi khám, đồng thời viết đơn trình báo nhà trường, cơ quan chức năng địa phương.
Ông Hoàng Văn Danh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Lân cho biết, trường sẽ tiến hành kỷ luật thầy giáo Trần Văn Bình dựa theo các văn bản quy định, theo Luật Công chức và không bao che. Trường đã lập tổ kiểm tra, yêu cầu thầy Bình viết tường trình và thầy cũng đã thừa nhận có đánh em Đăng. Đối với cá nhân thầy Bình đã nhận ra việc làm sai và rất ân hận khi đánh học sinh. Theo giải thích của thầy Bình, lý do đánh học sinh là để muốn học sinh tiến bộ hơn.
Câu chuyện giáo viên đánh học sinh trên lớp học nói trên không phải duy nhất, bởi thời gian qua đã có hàng loạt vụ việc tương tự như, vào cuối tháng 8 vừa qua, một thầy giáo dạy môn Địa lý, Trường THCS Tiên Phương (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đánh học sinh của trường chảy máu mắt. Hay hồi tháng 2, em Đỗ Lân Anh (học lớp 8 Trường THCS Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) bị thầy giáo Đoàn Văn Học (32 tuổi, giáo viên môn Vật lý của trường) đánh bị thương phải nhập viện điều trị…
Theo giải thích của một số giáo viên mắc vi phạm đánh học sinh, sự việc chủ yếu xuất phát từ mong muốn “thương cho roi cho vọt”, mong học sinh ý thức hơn trong học tập… Tuy nhiên, không ít giáo viên cho rằng, đánh học sinh bởi vì quá áp lực trong dạy học, học sinh lười học, hỗn hào với giáo viên. Dù xã hội phẫn nộ, lên án song thực trạng giáo viên ứng xử thiếu văn hóa, đánh đập học sinh vẫn cứ tiếp diễn trong nhà trường như một câu chuyện nhức nhối của ngành giáo dục.
Đòn roi dạy trò đã quá lạc hậu
Không ngạc nhiên trước tình trạng giáo viên đánh học sinh, TS.Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Hà Nội cho rằng, hiện tượng giáo viên đánh học sinh không còn là chuyện hiếm, bởi nó xảy ra từ cấp mầm non cho tới phổ thông. Nhưng giáo viên đánh học sinh ngay trên lớp học trước mặt nhiều em học sinh phải bị lên án mạnh mẽ, cho dù vì lý do gì chăng nữa.
Cũng theo TS. Nguyễn Tùng Lâm: “Dù giáo viên có mong muốn tốt cho học sinh, dùng đòn roi để răn đe các em học bài, mặt nào đó có thể khiến các em sợ mà chăm học hơn. Nhưng đây là cách làm đã quá lạc hậu. Việc ép buộc sẽ khó có kết quả tốt, không mang tính lâu dài. Dần dần dẫn tới tâm lý sợ học, học đối phó chứ không tạo sự say mê học tập. Đánh học sinh cũng sẽ tạo ra những thương tổn, ảnh hưởng đến tâm lý. Giáo viên đánh học sinh cho thấy, khâu đào tạo giáo viên hiện nay còn bộc lộ nhiều bất cập, giáo viên chưa được trang bị đầy đủ hành trang sư phạm”.
Chia sẻ về những khó khăn mà giáo viên hiện nay đang gặp phải, một thầy giáo dạy học tại một Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở Hà Nội cho biết: “Hơn 10 năm đi dạy, tôi cảm thấy giáo viên ngày càng mệt mỏi bởi học sinh hiện nay được phụ huynh chiều chuộng, không chịu học, một số em là học sinh hư. Thầy giáo đánh học sinh trong tâm còn mong học sinh tốt lên, chứ không mặc kệ. Nhưng xét cho cùng, giáo viên phải tìm cách để học sinh nhận thức được hành vi của mình để sửa chữa, cố gắng mới là điều quan trọng”.
Chuyện giáo viên đánh học sinh, rốt cuộc cũng chỉ cho thấy một trong vô số khía cạnh của thực trạng có những biểu hiện xuống cấp về văn hóa ứng xử học đường hiện nay giữa giáo viên và học sinh và giữa học sinh với nhau. Văn hoá ứng xử học đường đang bị xem nhẹ. Nhà trường chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức tự nhiên, xã hội mà quên đi giáo dục nhân cách sống cho học sinh. Giáo viên vì áp lực thành tích, chưa được trang bị các kỹ năng ứng xử nên ứng xử chưa phù hợp, thậm chí vi phạm đạo đức nhà giáo.
Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ ban hành khung quy tắc ứng xử trong trường học từ cấp học mầm non, phổ thông cho tới đại học. Cả giáo viên, học sinh đều có những quy định ứng xử riêng, nhằm nâng cao văn hóa học đường. Bộ cũng đang chuẩn bị ban hành Thông tư quy định tổ chức hoạt động văn hóa và ứng xử văn hóa cho học sinh sinh viên trong các nhà trường nhằm tạo ra môi trường văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho học sinh, sinh viên trong các trường học.
Tác giả bài viết: Quang Anh