Pháp luật

Sát thủ 18 tuổi xin hiến tạng: Luật không cấm nhưng khó thực hiện

Chuyên gia pháp lý cho rằng, luật không cấm tử tù hiến tạng, nhưng nếu tử hình bằng cách tiêm thuốc độc thì việc hiến tạng khó có thể thực hiện.

Ngày hôm qua (9/7), TAND TP.HCM đã tuyên bản án tử hình đối với sát thủ gây ra vụ thảm án giết 5 người trong cùng một gia đình đối với bị cáo Nguyễn Hữu Tình (SN 2000, quê tỉnh Hậu Giang) về các tội Giết người và Cướp tài sản.

Sát thủ 18 tuổi xin được hiến tạng sau khi bị tuyên án tử.

HĐXX căn cứ vào hồ sơ đã xác định Tình đã đâm tổng cộng 76 nhát vào 5 người trong một nhà khiến tất cả tử vong.

Trong lời nói sau cùng tại tòa, sát thủ Nguyễn Hữu Tình ngoài xin lỗi gia đình các nạn nhân và gia đình mình, hắn còn xin HĐXX cho hắn được hiến tạng cho y học sau khi bị tuyên tử hình.

Vấn đề pháp lý đặt ra là liệu tử tù có được hiến tạng hay không?.

Theo luật sư Đặng Đức Trí – Giám đốc hãng luật Roma, mọi công dân đều có quyền hiến tạng. Trong trường hợp này, bị cáo Tình bị tước đi quyền sống và một số quyền thôi chứ không tước đi quyền hiến tạng.

Luật sư Đặng Đức Trí – Giám đốc hãng luật Roma cho biết luật không cấm tử tù hiến tạng, nhưng việc hiến tạng sẽ khó thực hiện nếu hình thức tử hình là tiêm thuốc độc.

Theo luật sư Trí, khoản 3, Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định “mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật”. Điều 5 luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 cũng quy định “người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.

Theo Điều 59, luật Thi hành án hình sự năm 2010 quy định, hình thức và trình tự thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định. Nếu tiêm thuốc độc rồi thì việc hiến tạng sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được vì tạng nhiễm độc hết rồi.

Khi tiêm thuốc độc vào người thì có thể cơ thể của người đó sẽ không được đảm bảo để hiến tạng, hiến xác nữa, và như vậy quyền này của tử tù sẽ khó được thực hiện.

Do đó, tử tù nếu muốn hiến tạng thì hình thức tử hình phải được tiến hành bằng cách khác chứ không phải tiêm thuốc độc để mô tạng vẫn còn tồn tại, chưa nhiễm độc. Chứ nhiễm độc hết thì hiến cũng như không, có chăng là hiến xác cho y học nghiên cứu, chứ không thể hiến tạng khi tạng đã nhiễm độc.

Tác giả: Công Thư

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: hiến tạng , TAND TP.HCM , Sát thủ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok