Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải kết luận Hội nghị |
Giảm hơn 2000 thôn, tổ dân phố
Sau 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, toàn thành phố có 7.970 thôn, tổ dân phố (2.550 thôn; 5.420 tổ dân phố). So với trước khi thực hiện Đề án 06, giảm 2.018 thôn, tổ dân phố (tỷ lệ 20,1%), trong đó giảm 34 thôn và 1.984 tổ dân phố. Toàn thành phố có tổng 5.236 chi bộ (trong đó 2.510 chi bộ thôn, 2.600 chi bộ tổ dân phố và 126 chi bộ trực thuộc 24 đảng bộ bộ phận, so với trước khi thực hiện đề án giảm 402 chi bộ thôn, tổ dân phố (tỷ lệ 7,1%)
Ngoài ra, số lượng ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể chính trị - xã hội đều giảm so với trước. Trong đó, Ban công tác Mặt trận giảm 242 ban, Chi hội phụ nữ giảm 2.880 chi hội, Chi đoàn TNCS HCM giảm 302 chi đoàn, Chi hội Cựu chiên sbinh giảm 848 chi hội, Chi hội Nông dân giảm 851 chi hội.
Các quận, huyện, thị ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn sắp xếp đồng bộ hệ thống chính trị trên địa bàn thôn, tổ dân phố, đồng thời thường xuyên quan tâm kiện toàn bí thư, phó bí thư và các chức danh không chuyên trách ở các thôn, tổ dân phố. Các tổ chức đảng, đoàn thể được sắp xếp đã phát huy vai trò, trách nhiệm, hoạt động ổn định, hiệu quả.
Đến nay có thể khẳng định đã khắc phục được tình trạng chồng chéo nhiều chi bộ lãnh đạo một tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn, tổ dân phố. Các thôn, tổ dân phố có quy mô hợp lý hơn, thu gọn được đầu mối đảm bảo hiệu quả hoạt động của thôn, tổ dân phố là cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở. Mô hình tổ chức 1 chi bộ lãnh đạo 1 thôn, 1 tổ dân phố (hoặc một số tổ dân phố), 1 ban công tác Mặt trận và chi hội đoàn thể CT-XH trên địa bàn dân cư đã phát huy hiệu quả rõ nét.
Các chi bộ đã phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở địa bàn dân cư, huy động sức mạnh tổng hợp của thôn, tổ dân phố, ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể trong vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Giải quyết có hiệu quả những đề xuất kiến nghị và vấn đề phát sinh của các tổ chức trong hệ thống chính trị, những bức xúc của người dân trên địa bàn
Các ban công tác Mặt trận và các chi bộ đoàn thể chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố tranh thủ được sự lãnh đạo của chi bộ, phát huy mối đoàn kết toàn dân, vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào hoạt động cách mạng tại địa phương; thể hiện vai trò cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân, chú trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở….
Toàn cảnh Hội nghị |
Bên cạnh những kết quả trên vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: Một số nơi quy mô thôn tổ dân phố vẫn chưa phù hợp; một số thôn, tổ dân phố chưa có đủ các chi bộ đoàn thể, CT-XH nhất là các chi đoàn thanh niên; một số tổ dân phố chưa có tổ chức đảng, tuy tỷ lệ không nhiều nhưng đòi hỏi các cấp ủy phải đặc biệt quan tâm, chỉ đọa kịp thời. Ngoài ra việc thực hiện chế độ kiêm nhiệm các chức danh tại thôn, tổ dân phố chưa nhiều; sự đầu tư về công tác lãnh đạo, chỉ đọa và bố trí nguồn lực còn có bất cập, hiệu quả chưa cao…
Tiếp tục sắp xếp theo hướng tinh gọn và hiệu quả
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá, 5 năm qua, đề án số 06 của Ban Thường vụ Thành ủy đã được thực hiện hiệu quả, tích cực, đi vào cuộc sống và đạt những kết quả rõ nét, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực sức chiến đấu của các cấp ủy đảng.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, dù đã thực hiện 5 năm nhưng đây vẫn là nội dung mới, cần tập trung, sáng tạo, thực hiện tốt trong giai đoạn 2. Đặc biệt phải tập trung sắp xếp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, xác định rõ hơn chức năng nhiệm vụ của các cơ quan tổ chức, đơn vị.
Trong quá trình thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội từ Thành phố đến cơ sở cần tập trung khắc phục những nội dung còn hạn chế và giải quyết tốt những vấn đề đặt ra từ thực tiễn sau 5 năm thực hiện Đề án; ; từng bước thực hiện mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố
Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng Đề án sắp xếp các thôn, tổ dân phố theo quy định mới của Bộ Nội vụ, chủ động tham vấn và xin ý kiến các cơ quan trung ương cơ chế đặc thù của Hà Nội nếu thấy cần thiết, đảm bảo khoa học và hạn chế tối đa việc xáo trộn gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng dân sinh.
Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy cần chủ động dự báo, nắm chắc tình hình dân cư ở những khu đô thị mới để chỉ đạo thành lập tổ dân phố, chi bộ và hệ thống chính trị đồng bộ; kịp thời tập trung cần có giải pháp đối với những nơi thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng, chỉ đạo đảng ủy xã, phường, thị trấn xây dựng nghị quyết chuyên đề đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp nhanh chóng khắc phục thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng xong trong năm 2019.
Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ban Tổ chức Thành ủy trong việc xây dựng Đề án thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (khóa XII) của Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy lưu ý, đây là vấn đề khó, tác động lớn đến tổ chức, bộ máy, do đó, việc thực hiện Đề án trên, các cấp, ngành cần lưu ý quán triệt phương châm phải thận trọng, chặt chẽ, đánh giá và phân tích một cách biện chứng,vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội, giảm thiểu các tác động trái chiều.
Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy bám sát nội dung Đề án của Thành ủy, xây dựng Đề án tổ chức thí điểm các chức danh kiêm nhiệm ở những nơi có đủ điều kiện; báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt từng đơn vị trước khi thực hiện. Quá trình thực hiện, các đơn vị liên quan cấp Thành phố cần có sự phối hợp, hướng dẫn sâu sát, giúp đỡ các quận, huyện, thị xây dựng và thực hiện Đề án ở địa phương, bảo đảm đúng quy định, phù hợp, hiệu quả, khả thi…
Tác giả: Tú Linh
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ Thủ đô