Trong đơn phản ánh gửi Báo Gia đình Việt Nam, ông Hùng cho biết, ngày 21/3/2019, ông được ông Ngô Văn Lâm, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa thông báo Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất điều động ông về giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đông Sơn, điều động ông Nguyễn Xuân Huy, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đông Sơn về giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa.
Sau khi nhận thông báo, ông Hùng đã có đơn đề nghị gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân Thanh Hóa, Thường trực Thành ủy Thanh Hóa với nguyện vọng là xin được ở lại công tác tại Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa đến khi nghỉ hưu, vì thời gian công tác của ông không còn nhiều (hơn 1 năm).
Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa nơi ông Lương Ngọc Hùng bị điều động về công tác. |
Ngày 8/4/2019, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 98-CV/BCSĐ trả lời ông Hùng với nội dung không điều động ông về giữ chức vụ Chánh án Tòa án huyện Đông Sơn, mà dự kiến điều động về bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý cấp tòa, phòng Tòa án nhân dân tỉnh, với lý do ông không còn đủ tuổi tham gia cấp ủy địa phương.
Ngày 13/5/2019, Ban Thường vụ Thành ủy có văn bản số 1732-CV/TU gửi Ban cán sự Đảng Tòa án tỉnh Thanh Hóa, với nội dung thống nhất về chủ trương điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý của Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh. Tuy nhiên văn bản này cũng nêu rõ, ông Hùng là Thành ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa, thời gian công tác không còn nhiều nên Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh xem xét thực hiện theo quy định hiện hành về công tác tổ chức cán bộ.
Ngày 24/6/2019, ông Hùng vẫn nhận được Quyết định số 237/QĐ-TCCB ngày 18/6/2019, của Chánh án nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc điều động ông đến làm Thẩm phán và giữ chức vụ Trưởng phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án Tòa án nhân tỉnh Thanh Hóa.
Hôm 12/7, trao đổi với phóng viên, ông Lương Ngọc Hùng cho rằng, Quyết định điều động của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa là chưa đúng theo quy định về công tác cán bộ.
Ông Hùng viện dẫn 6 nội dung được cho là chưa phù hợp trong quyết định điều động của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa: “Thứ nhất, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh Thanh hóa chỉ xem xét việc điều động do yêu cầu công tác, kế hoạch bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với vị trí việc làm theo quy định mà không xem xét việc điều động cán bộ bị xử lý kỷ luật hoặc có nguyện vọng xin chuyển công tác.
Thứ hai, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa dự kiến điều động ông Nguyễn Xuân Huy, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đông Sơn về giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa để cơ cấu vào cấp ủy địa phương là chưa đúng theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 1151- CV/TU ngày 22/02/2019 của Ban tổ chức tỉnh ủy Thanh Hóa.
Bởi lẽ, hiện nay, Thành ủy thành phố Thanh Hóa không quy hoạch nguồn cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Nguyễn Xuân Huy mà chỉ quy hoạch đối với bà Bùi Thị Huyền, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025.
Thứ ba, thời gian công tác còn lại của ông tôi cho đến khi nghỉ hưu là 15 tháng 15 ngày, nếu điều động, bổ nhiệm ông tôi giữ chức vụ Trưởng phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án là trái với quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Quyết định số 28/QĐ-TANDTC ngày 14/01/2019, điểm b Điều 4 Quyết định số 1260/2008/QĐ-TANDTC ngày 24/9/2008, của Tòa án nhân dân tối cao và khoản 2 Điều 3 Quyết định số 36/QĐ-TCCB ngày 01/3/2013, của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa, về việc ban hành Quy chế điều động, luân chuyển, biệt phái đối với công chức Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Thứ tư, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa chưa thực hiện các bước quy trình theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Quyết định số 28/QĐ-TANDTC ngày 14/01/2019 của Tòa án nhân dân tối cao. Đặc biệt là trao đổi với tập thể lãnh đạo Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa về chủ trương điều động, bổ nhiệm, lấy nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi ông Hùng công tác.
Thứ năm, theo quy định của Đảng về quy trình, quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý các bước đều có quy hoạch động, quy hoạch mở, nếu Ban cán sự Đảng có chủ trương xây dựng nguồn thì tại sao không có văn bản phối hợp với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Thanh Hóa để bổ sung quy hoạch cho đồng chí Nguyễn Xuân Huy trong nhiệm kỳ tới.
Thứ sáu, tôi là cán bộ lãnh đạo quản lý chủ tài khoản nhưng trong quyết định điều động không đề cập đến việc bàn giao công việc đơn vị cho ai”, ông Hùng nói.
Được biết, trước đó, ngày 14/01/2016, được Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao có quyết định số: 78/QĐ-TCCB, bổ nhiệm lại chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Trao đổi nhanh với phóng viên qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Nga – Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xác nhận, lãnh đạo đơn vị đã nắm được nội dung khiếu nại của ông Hùng liên quan tới quyết định điều động công tác đối với cán bộ này.
Theo bà Nga: “Quy trình điều động cán bộ được chúng tôi thực hiện chặt chẽ và xin ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao.
Sau khi nhận được sự đồng ý từ Tòa án nhân dân tối cao, chúng tôi mới ký quyết định điều động ông Hùng. Sau khi ban hành quyết định hành chính nhưng cán bộ không đồng ý thì có quyền khiếu nại lên Tòa án nhân dân tối cao để được xem xét giải quyết”, bà Nga cho hay.
Tác giả: An Bình
Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam