Kinh tế

Sắp có khu công nghiệp đa ngành phía Tây thành phố Thanh Hóa

Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hoá là khu công nghiệp đa ngành, ứng dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường. Quy mô lao động trong khu công nghiệp khoảng 30.000 – 40.000 người.

Ảnh minh họa


Vừa qua, HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết về việc thông qua Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hoá.

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính các xã Đông Hoà, Đông Yên, Đông Văn, Đông Phú (huyện Đông Sơn) và các xã Đồng Tiến, Đồng Thắng (huyện Triệu Sơn).

Ranh giới khu công nghiệp này được xác định, phía Bắc giáp khu dân cư xã Đông Yên, Đông Hoà; phía Nam giáp khu dân cư xã Đông Phú; phía Đông giáp đường quy hoạch (vành đai 2.5 phía Tây); phía Tây giáp kênh B10 và khu dân cư xã Đồng Tiến. Diện tích lập quy hoạch khu công nghiệp trên khoảng 645,2ha.

Về tính chất, chức năng, Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hoá là khu công nghiệp đa ngành, ứng dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường, hướng đến công nghiệp 4.0, ưu tiên các ngành nghề: Điện - điện tử, viễn thông; cơ khí chế tạo; cơ khí chính xác; công nghiệp ô tô, xe máy, thiết bị xây dựng, thiết bị y tế; sản xuất hàng tiêu dùng và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Quy mô lao động trong khu công nghiệp khoảng 30.000 – 40.000 người.

Cơ cấu và chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của khu công nghiệp này, gồm đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp diện tích 447,94ha, chiếm 69,43%; mật độ xây dựng tối đa 70%; tầng cao công trình tối đa 5 tầng; hệ số sử dụng đất tối đa 3,5 lần. Đất hành chính, công cộng - dịch vụ có diện tích 36,39ha, chiếm 5,64%. Đất công trình hạ tầng kỹ thuật có diện tích 8,12ha, chiếm 1,26%. Ngoài ra, đất cây xanh chiếm 10,14%; đất mặt nước chiếm 3,04%; đất giao thông chiếm 10,49%.

Về tổ chức không gian, khu công nghiệp được chia thành 2 phân khu: Khu A có diện tích khoảng 375ha nằm phía Nam tuyến đường từ thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân. Khu B có diện tích khoảng 270,2ha nằm phía Bắc tuyến đường từ thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân.

Các ô đất có chức năng sản xuất công nghiệp tại khu công nghiệp này được tổ chức không gian và hình thức kiến trúc phù hợp với loại hình công trình công nghiệp với mật độ xây dựng cao, thấp tầng (không quá 5 tầng). Khoảng lùi đối với từng hạng mục công trình trong lô đất phải đồng bộ, thống nhất, dựa trên một trật tự, nguyên tắc nhất định.

Khu hành chính, công cộng - dịch vụ được bố trí ở gần lối ra vào của khu công nghiệp, phân bổ phía Bắc và Nam của tuyến đường thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân.

Công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật (trạm điện, xử lý nước thải...) được bố trí khu vực phía Tây Nam khu công nghiệp, cạnh các tuyến giao thông, thuận lợi cho việc đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu công nghiệp. Hệ thống giao thông nội khu được thiết kế theo dạng ô bàn cờ, thuận lợi kết nối với các tuyến đường giao thông đối ngoại, đảm bảo tiếp cận thuận tiện đến từng lô đất.

Đối với việc bố trí tái định cư, nhà ở cho người lao động, Nghị quyết trên yêu cầu khi thực hiện dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp phải đồng thời thực hiện dự án khu tái định cư, bảo đảm hoàn thành xây dựng khu tái định cư trước khi thực hiện di chuyển các hộ dân. Dự kiến bố trí 3 khu tái định cư để phục vụ giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án.

Tác giả: Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Nguồn tin: vneconomy.vn

  Từ khóa: khu công nghiệp , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok