Kinh tế

Sắp có gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao?

Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại nghiên cứu dành 1 gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng bằng nguồn huy động của các ngân hàng thương mại để cho các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

nghien cuu
Thủ tướng giao nghiên cứu gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp và dự lễ khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại nghiên cứu dành 1 gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng bằng nguồn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; có chính sách tín dụng trung hạn cho đầu tư nông nghiệp (hiện nay các công ty phải vay với lãi suất trên 9,5% và không cố định mà điều chỉnh thả nổi từng tháng).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, nghiên cứu hướng dẫn bộ thủ tục mẫu thật gọn nhẹ, thuận lợi về giao dịch vốn đối với các dự án nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật đất đai nhằm tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế thuê đất đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bổ sung cơ chế sử dụng đất trong quá trình tích tụ phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (xong trong tháng 3/2017) cho phù hợp với quá trình tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp. Theo đó, cần có các chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp một cách cụ thể và thiết thực đặc biệt chính sách hỗ trợ về tích tụ đất đai như hỗ trợ tiền thuê đất của dân, kinh phí chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao...

Trước đó, phát biểu tại Lễ Khởi động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nông trường VinEco Hà Nam hôm 2/2/2017, Thủ tướng cho rằng, nông nghiệp của Việt Nam hiện nay chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và còn là một nền nông nghiệp có chi phí lớn, đời sống người nông dân còn thấp, vẫn còn tình trạng thiếu an toàn thực phẩm, canh tác lạc hậu, lúa nước vẫn chiếm phần chủ đạo; xuất khẩu gạo luôn gặp khó khăn, hiệu quả chưa cao.

Chính vì vậy, theo Thủ tướng cần chuyển từ một nền nông nghiệp cởi trói sang một nền nông nghiệp kiến tạo, phải là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, thông minh theo nhu cầu thị trường, hướng vào người dân và xuất khẩu nhất là rau, củ quả, chăn nuôi.

Giải bài toán nông nghiệp của Việt Nam, theo Thủ tướng, cần có sự tham gia của cả khu vực doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã chất lượng cao làm nông nghiệp. “Chính vì vậy, chúng ta khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp, áp dụng điện toán đám mây để có một nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam", Thủ tướng nói.

Đồng thời, mở rộng hạn điền trong nông nghiệp, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn và chuyển giao khoa học công nghệ vào nông nghiệp. “Phải có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu nâng hạn mức gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết để làm vấn đề này.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực từ nông dân để làm nông nghiệp công nghệ cao phải được tập trung đầu tư phát triển, không để tồn tại mãi hình ảnh "con trâu đi trước cái cày theo sau". Mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.

Tác giả bài viết: Phương Dung

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok