Vào lúc 9h sáng nay (20/5), kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV khai mạc tại Hà Nội. |
Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, các đại biểu sẽ nghe đại diện Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, tình hình những tháng đầu năm 2019; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Chiều cùng ngày, Quốc hội làm việc về ngân sách nhà nước năm 2017; việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.
Trước đó, tại phiên họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV hôm 17/5, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là kỳ họp giữa năm nên trọng tâm tập trung cho vấn đề lập pháp.
Cụ thể, Quốc hội sẽ thông qua 7 dự án luật và 2 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Theo chương trình, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Liên quan đến vấn đề chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, kỳ họp thứ 7 này cũng chất vấn như thông lệ, trên cơ sở những vấn đề thực tiễn, những bức xúc, ý kiến của đại biểu quốc hội đề xuất những nhóm vấn đề và Quốc hội sẽ chọn ra 4 nhóm vấn đề.
"Liên quan đến thành viên Chính phủ nào thì thành viên Chính phủ đó sẽ trả lời trước Quốc hội. Sau đó, Quốc hội đưa ra nghị quyết về chính vấn đề đó, để làm sao cuối nhiệm kỳ, tiếp tục chất vấn lại việc thực hiện vấn đề đó, nếu không xong thì kỳ sau vẫn tiếp tục chất vấn, đến khi nào xong thì thôi", ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin tại buổi họp báo.
Về một số nội dung cải tiến, đổi mới trong tổ chức kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, tiếp tục chủ trương cải tiến, đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp Quốc hội. Tại kỳ họp này, Văn phòng Quốc hội lần đầu tiên triển khai việc sử dụng phần mềm ứng dụng dành cho đại biểu Quốc hội. Theo đó, các đại biểu Quốc hội có thể tiếp cận tài liệu, các thông tin về kỳ họp, thông tin báo chí…ngay trên các thiết bị thông minh cầm tay. Đây là một trong những kết quả của việc triển khai chương trình xây dựng Quốc hội điện tử. Điều này sẽ góp phần chuyển tải thông tin một cách nhanh nhất đến các đại biểu Quốc hội, giảm việc sử dụng các văn bản giấy trong hoạt động của Quốc hội.
Bên cạnh đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cải tiến việc lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội từ hình thức bằng văn bản sang hình thức bằng bảng điện tử. Qua đó giúp việc lấy ý kiến được chính xác, nhanh chóng và thuận tiện hơn nhất là trong việc tổng hợp các ý kiến phục vụ cho công tác tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật.
Tác giả: Hà Giang
Nguồn tin: Báo Tổ quốc