Theo bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, sán lợn được chia làm 2 thể bệnh chính là: ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành.
Ở thể ấu trùng sán lợn, con người khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại một số cơ quan trong cơ thể. Sau đó, âu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang.
Sán lợn có thể dễ dàng chữa khỏi vì có thuốc đặc trị. (Ảnh: Soha) |
Còn ở sán lợn trưởng thành, khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.
Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.
Theo ông Thiều, người bệnh khi nhiễm sán tùy vào thể trạng sẽ có những biểu hiện như đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ… Trường hợp khác, nếu sán làm kén ở não sẽ gây nhức đầu, buồn nôn, nôn, hoặc co giật, tê bì, khó ngủ hay mờ mắt.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Thiều cho biết, sán lợn sẽ chết ở nhiệt độ 80 độ C. Bởi vậy, để phòng bệnh, người dân cần thực hiện ăn uống đảm bảo vệ sinh, ăn chín, uống sôi, không ăn đồ sống hay tái chín.
Việc điều trị sán lợn hiện nay cũng khá dễ dàng, bởi sán lợn không phải bệnh cấp tính và hoàn toàn có thể chữa khỏi được vì đã có thuốc đặc trị.
“Các loại thuốc thường dùng hiện nay để điều trị sán lợn là Praziquantel và Albendazole. Tùy thuộc vào mức độ và thể trạng mà bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị với từng người. Nhưng người dân nên được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán”, bác sĩ Thiều nói.
Bác sĩ Nguyễn Quang Thiều - Viện phó Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương. (Ảnh: Phạm Quý) |
Trước đó, do nghi ngờ con em mình nhiễm sán do ăn phải thực phẩm bẩn tại trường mầm non, gần 2.000 học sinh ở các xã thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được cha mẹ đưa đi xét nghiệm sán lợn tại Hà Nội. Qua quá trình xét nghiệm đã phát hiện hơn 200 trẻ có kết quả dương tính với sán lợn. Sự việc làm nhiều người dân lo lắng, hoang mang.
Theo giáo sư Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kết quả xét nghiệm dương tính với sán dây lợn của trẻ em huyện Thuận Thành những ngày qua có tỷ lệ giống như trước đây địa phương này từng báo cáo. Kết quả đó cũng tương đương với kết quả xét nghiệm của những địa phương khác (khoảng từ 7-15%), không có gì bất thường. Bởi vậy, các bậc cha mẹ cần bình tĩnh, không nên quá hoảng hốt hay lo lắng.
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân: - Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn). - Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông. - Thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển buôn bán lợn (heo) theo quy định. |
Tác giả: PHẠM QUÝ
Nguồn tin: Báo VTC NEWS