Cầu Phú Mỹ, TPHCM (Ảnh: Đình Thảo) |
Kết luận thanh tra cho biết, từ năm 2010 đến giữa năm 2015 trên địa bàn TPHCM có 13 dự án BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao), BT trong lĩnh vực giao thông, môi trường đang được triển khai với giá trị gần 33.000 tỷ đồng của 8 nhà đầu tư.
Trong đó có 5 dự án trong lĩnh vực giao thông đã hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ, 8 dự án đã ký hợp đồng hoặc đang triển khai với tổng mức đầu tư gần 26.000 nghìn tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra 6 dự án gồm: Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ, dự án đường kết nối cầu Phú Mỹ; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương- An Lạc; Dự án xa lộ Hà Nội; Dự án cầu Bình Triệu 2; Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu.
Qua đó phát hiện UBND TPHCM không xây dựng danh mục dự án, không thực hiện việc công bố danh mục, hoặc thực hiện công bố chậm.
Mặt khác, việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án chủ yếu thực hiện theo hình thức chỉ định thầu không đúng quy định pháp luật.
Tại dự án BOT cầu Phú Mỹ, Thanh tra Chính phủ cho rằng UBND TPHCM đã “ưu ái” chọn Công ty Cổ phần Đầu tư xây Phú Mỹ làm nhà đầu tư dù hồ sơ chuẩn bị đầu tư của doanh nghiệp này thiếu phương án huy động vốn, chưa đủ giấy tờ cam kết của ngân hàng hoặc nhà cấp vốn, tức được lựa chọn khi chưa rõ năng lực nhà đầu tư.
Trong quá trình thực hiện dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ theo hình thức BT với tổng mức đầu tư hơn 1.440 tỉ đồng, UBND TPHCM không thực hiện việc xây dựng công bố danh mục kêu gọi đầu tư và đấu thầu rộng rãi mà giao luôn cho Công ty Cổ phần đầu tư xây Phú Mỹ thực hiện dự án.
Tại dự án BOT nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1A đoạn An Sương- An Lạc, Thanh tra Chính phủ phát hiện quá trình thực hiện dự án, IDICO đã đề xuất bổ sung xây dựng 2 nút giao thông và lắp đặt dải phân cách làn xe cơ giới và thô sơ với tổng mức đầu tư trên 700 tỷ đồng.
Thay vì bổ sung dự án vào danh mục và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia theo quy định, UBND TPHCM lại chỉ định luôn IDICO làm nhà đầu tư.
Kết luận nhấn mạnh, việc không kiến nghị, không xây dựng và công bố kế hoạch dự án hoặc có nhưng chậm và chỉ định thầu đã không phát huy được nguồn lực xã hội, làm giảm tính cạnh tranh giữa các nhà đầu tư và khó lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính và kinh nghiệm tốt nhất.
Cơ quan thanh tra nhận định, do thiếu trách nhiệm trong công việc nên nhiều hợp đồng BOT, BT chưa đủ trình tự, thủ tục, điều khoản mâu thuẫn, sai quy định, tổng vốn đầu tư tăng sai dẫn đến thời gian khai thác thu phí hoàn vốn không đúng quy định; thiếu phương án huy động vốn, chưa đủ cam kết của ngân hàng hoặc nhà cấp vốn, trong khi điều khoản trong hợp đồng mâu thuẫn làm tăng chí phí, giảm doanh thu thu phí.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định, UBND TPHCM và các đơn vị chuyên môn đã có nhiều sai sót trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án khả thi, nội dung dự án thiếu sự cần thiết phải đầu tư, phương án so sánh.
Hầu hết các dự án BOT nêu trên đều chậm tiến độ, dẫn đến giảm doanh thu, tăng chi phí và lãng phí vốn đầu tư.
Chính vì thế, cơ quan thanh tra đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành và TPHCM xử lý khoản tiền sai phạm theo kết quả thanh tra là 2.172 tỷ đồng.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí