Đánh mất “thời gian vàng” vì thiếu kiến thức
Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn – Khoa Cấp cứu chống đốc, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, thời gian gần đây, có rất nhiều bệnh nhi nhập viện vì đuối nước.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn cách hà hơi, thổi ngạt khi cấp cứu trẻ bị đuối nước. Ảnh: Minh Khánh |
Thông thường các bệnh nhân đuối nước đều chuyển lên từ tuyến tỉnh, lúc đến Bệnh viện tuyến trung ương đã trong tình trạng rất nặng.
“Lúc lên bệnh viện Nhi Trung ương, các bệnh nhân đuối nước ý thức đã rất kém, giảm lưu lượng máu, oxy cung cấp cho não, thường trong tình trạng hôn mê sâu.” – bác sĩ Toàn cho biết.
Cũng theo bác sĩ này, rất nhiều người quan niệm rằng, trẻ bị đuối nước cần phải dốc ngược lên hoặc vác lên vai rồi chạy sẽ làm nước chảy ngược ra.
Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn sai lầm, thậm chí còn đánh mất cả “thời gian vàng” để cứu sống bệnh nhân đó.
“Phải hiểu rằng, đối với bệnh nhân bị đuối nước thì nước đã vào đường thở làm thiếu oxy lên não, dẫn đến ngừng thở, ngừng tim. Việc xử trí cấn thiết là phải hà hơi, thổi ngạt, ép tim để cung cấp oxy, máu lên não.” – bác sĩ Toàn cho hay.
Hai nguyên tắc cần nhớ nếu muốn xử trí trẻ bị đuối nước
Chia sẻ về kỹ thuật xử trí ban đầu đối với người bị đuối nước, bác sĩ Toàn khẳng định, người cấp cứu chỉ cần có kiến thức và kỹ năng. Theo đó, nguyên tắc đầu tiên là không được phép biến mình trở thành nạn nhân thứ hai. Nếu không biết bơi thì không bao giờ được nhảy xuống nước để cứu người gặp nạn.
“Nguyên tắc thứ 2 đó là, khi đưa trẻ bị đuối nước lên được bờ thì việc đầu tiên là phải hỏi xem trẻ có phản ứng hay không. Nếu có phản ứng thì sẽ đưa bệnh nhân trở về tư thế hồi phục, còn nếu hỏi mà bệnh nhân không đáp ứng thì phải gọi người khác đến hỗ trợ, giúp đỡ, không được làm một mình.” – bác sĩ Toàn khuyến cáo.
“Phải mở thông đường thở để xem bệnh nhân có thở hay không, việc này được thực hiện theo biện pháp “Nhìn, nghe và cảm nhận”. Tiếp đó là phải nhìn xem lồng ngực có di động hay không. Sau đó bắt mạch trong vòng 10 giây, nếu không thấy mạch thì sẽ tiến hành ép tim.” – vị bác sĩ này nói và nhấn mạnh: “Việc này cần hai người, một người hà hơi thổi ngạt còn một người sẽ ép tim, vị trí ép tim sẽ là ½ dưới xương ức. Khi chúng ép để tay thẳng lên vùng ngực bệnh nhân, ép với tỷ lệ 15 lần ép và 2 lần thổi ngạt.”
Sau khoảng 1 phút phải đánh giá lại xem bệnh nhân đã thở, có mạch hay chưa. Nếu muốn việc ép tim có hiệu quả thì phải duy trì được tần số ép tim 100 lần/phút. Khi ép cố gắng ép sâu, nhanh và mạnh, phải làm sao để độ di động lồng ngực bằng 1/3 bề dày của lồng ngực.
Tác giả: Thế Công
Nguồn tin: Báo Tổ quốc