Trong những ngày cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận thông tin được chú ý nhất. Đó là cổ phiếu Sabeco của Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sẽ niêm yết trong ngày 6/12 tới đây với mức giá chào sàn rất khủng 110.000 đồng/CP.
Ở mức giá này, Sabeco được định giá 3,15 tỷ USD, đứng thứ 5 trong danh sách các doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thông tin cổ phiếu Sabeco sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán đã giúp cổ phiếu ngành bia “nóng” lên sau một thời gian “nguội”. Điều đặc biệt, cổ phiếu ngành bia đồng loạt tăng mạnh dù chỉ thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ.
Trước thời điểm kết thúc đợt giao dịch buổi sáng, VN-Index giảm gần 10 điểm xuống 666,27 điểm. Các chỉ số chính trên đồng loạt đi xuống khi thị trường chứng khoán châu Á điều chỉnh mạnh, trong đó thị trường Nhật Bản giảm sâu nhất do chịu tác động trước đà tăng mạnh của đồng yên.
Trong khi ngành bia được "phát lộc", ông Trịnh Văn Quyết mất ngàn tỷ trong sáng 28/11
Vì vậy, có thể thấy, trong phiên giao dịch sáng nay 28/11, cổ phiếu ngành bia là điểm sáng hiếm hoi trên thị trường.
BHP của Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hải Phòng bứt phá mạnh khi tăng trần, tăng 2.300 đồng/CP lên 17.700 đồng/CP. Nhờ BHP, vốn hóa thị trường của Bia Hà Nội - Hải Phòng tăng 21 tỷ đồng lên 162,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu SMB của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung cũng có thời điểm giao dịch trong sắc tím khi tăng 7.000 đồng/CP. Nhờ đó, đầu phiên, vốn hóa thị trường Bia Sài Gòn - Miền Trung có thêm 209 tỷ đồng.
Không tăng trần nhưng HAT của Công ty Cổ phần Thương mại Bia Hà Nội cũng “vượt bão” thành công giữa thời điểm VN-Index và HNX-Index đi lùi. Gần kết phiên sáng, HAT tăng 500 đồng/CP lên 62.000 đồng/CP. HAT giúp vốn hóa Công ty Cổ phần Thương mại Bia Hà Nội có thêm 1,6 tỷ đồng.
Tăng trần đầu phiên sáng nhưng nhanh chóng suy yếu, tới gần trưa, cổ phiếu BSP của công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Phú Thọ vẫn đi lên mạnh khi tăng 3.800 đồng/CP lên 43.000 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Bia Sài Gòn - Phú Thọ có thêm 47,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu WSB của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Tây cũng đi lên mạnh mẽ. WSB tăng 4.100 đồng/CP lên 82.500 đồng/CP. WSB giúp vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Tây tăng 59,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) là công ty lớn nhất ngành bia có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán tính tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, sáng nay, đà tăng của BHN yếu hơn hẳn các cổ phiếu nhỏ.
Nếu đầu phiên, BHN tăng 4.300 đồng/CP lên 111.000 đồng/CP thì sau đó, BHN nhanh chóng “nguội” và “nghỉ ngơi” ở giá tham chiếu 106.700 đồng/CP. Vì vậy, khác với các cổ phiếu nhỏ như HAT, BSP,… Habeco không được Sabeco “phát lộc”.
Trong khi đa số cổ phiếu ngành bia “vượt bão” tăng rất mạnh, cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần xây dựng Faros lại giảm rất sâu. Có thời điểm ROS giảm 8.500 đồng/CP xuống 117.500 đồng/CP. ROS khiến vốn hóa thị trường của Faros “bốc hơi” 3.655 tỷ đồng.
Là cổ đông lớn nhất tại Faros nên khi cổ phiếu ROS giảm sâu, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn FLC chịu ảnh hưởng nhiều nhất. ROS khiến tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Quyết “bốc hơi” 2.376 tỷ đồng. Dù vậy, ông Quyết vẫn vững vàng ở vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Gia đình ông Quyết chịu thiệt hại nặng nề hơn nếu tính cả lượng cổ phiếu của bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ ông Quyết. Sáng nay, có thời điểm, tài sản của bà Diệp giảm 172 tỷ đồng. Như vậy, vợ chồng ông Quyết đã mất 2.548 tỷ đồng.
Cổ phiếu ROS giảm mạnh nhưng cổ phiếu FLC đứng giá. Vì vậy, giá trị cổ phiếu FLC của ông Quyết không đổi, vẫn là 677 tỷ đồng.
Tác giả bài viết: Bảo Linh
Nguồn tin: