Trong nước

Rùng mình chuyện người đàn ông 'trang điểm' hàng trăm xác chết

"Có những lần trở về nhà, con tôi hỏi: 'Hôm nay có ca nào rùng rợn không bố?', tôi nghe đấy nhưng không kể vì sợ vợ con nghe lại không ngủ được. Có những điều chỉ mình biết đã là quá đủ", ông Đ. nói.

Những công việc rùng rợn “bất đắc dĩ”

Từ lời giới thiệu của nhân viên phòng hành chính, bệnh viện M, chúng tôi được tiếp xúc với nhiều nhân viên đang làm việc với những xác chết.

Khu nhà xác rộng, nằm sâu trong tổng thể khuôn viên của Bệnh viện M. Trong căn phòng nhỏ, đập vào mắt chúng tôi là những đồ vật giản đơn với bộ ấm chén trà cũ đã bạc màu theo năm tháng.

Hơn 50 tuổi, có thâm niên gần 30 năm theo nghề, mọi ngóc ngách của nhà xác bệnh viện M đều được ông Đ. thuộc như lòng bàn tay. Ông Đ. từng có thời gian làm cảnh vệ. Năm 1989, ông được phân về làm việc trong khu nhà đại thể của bệnh viện với công việc trông coi những xác chết.


Ông Đ. kể về công việc của mình. Ảnh H. Thúy

Ông cho biết, công việc này không đơn giản là đưa người chết xuống nơi quản xác của phòng lạnh mà chúng tôi còn phải phụ giúp các bác sĩ giải phẫu tử thi tìm ra nguyên nhân cái chết để so sánh, đối chiếu và chẩn đoán. Từ đó rút ra những kinh nghiệm quý giá cho lĩnh vực y học.

Hơn chục năm trở lại đây, khi cuộc sống ngày càng được nâng cao, ngoài các công việc như tắm nước thơm, thay quần áo... cho người đã mất, những quản gia nhà xác còn làm các công việc như trang điểm, đánh phấn son, cắt móng tay, móng chân, thậm chí cả... tỉa lông mày cho người đã chết.

Ông Đ. nói thêm: "Tôi trở thành 'chuyên gia trang điểm' cho người đã khuất mà không cần qua bất cứ trường lớp đào tạo nào".

Không dám chia sẻ cùng ai

Theo ông Đ., gia đình của người đã qua đời thường xem ngày, giờ đẹp để tiến hành làm những thủ tục cần thiết.

Trên chuyến xe cứu thương chở kèm theo chiếc quan tài bằng inox, sau khi làm thủ tục tiếp nhận, thi hài sẽ được chở về phòng chứa của bệnh viện để tiến hành ướp và làm những công việc cần thiết như cắt tóc, cạo lông mày… nếu gia đình yêu cầu.

“Có những lúc 1, 2 giờ sáng, nếu có điện thoại gọi nhận xác thì một số người trong chúng tôi phải lên xe đi, một số phải ở lại trực để chuẩn bị đón xác. Những ngày tang lễ chúng tôi cũng phải đảm nhận việc hóa trang cho những thi hài sao cho nhìn họ không khác gì với lúc còn sống”, ông Đ. nhớ lại.

Ông cho biết thêm, một lần khiến tôi nhớ nhất là khi cả kíp trực nhận được tin có gần 20 thi thể sắp được chuyển xuống bảo quản để giải phẫu xác định AND từ một vụ cháy xe khách ở Sơn La. Đó là lần để lại nhiều nỗi ám ảnh bởi niềm tiếc thương và nỗi khiếp sợ cho kíp trực.

Ông Đ. bộc bạch: “Với công việc này, ban đầu tôi cũng sợ lắm nhưng làm mãi thành quen”.

Ông Đ. bảo, đối mặt với những gì hãi hùng nhất đã đáng sợ nhưng đáng sợ hơn nữa là những người làm ở nhà xác như ông không dễ gì chia sẻ công việc cùng ai, dù người đó là bố mẹ, vợ con, bạn bè.

"Có những lần trở về nhà, con tôi hỏi: "Hôm nay có ca nào rùng rợn không bố?'', tôi nghe đấy nhưng không kể vì sợ vợ con nghe lại không ngủ được. Có những điều chỉ mình biết đã là quá đủ", ông nói.

Người đàn ông này cười: “Nếu chúng tôi không có tâm thì dũng cảm đến mấy cũng chẳng theo nghề được đâu. Tôi cứ tự động viên rằng, mình đang làm phúc, tích đức mới sống với nghề lâu dài được”.

*Tên Bệnh viện được viết tắt theo yêu cầu

Tác giả bài viết: H. Thúy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok