Trong nước

Rừng được bảo vệ, người dân hưởng lợi

Kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 - 2016 cho thấy tỉ lệ độ che phủ rừng tăng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chủ động bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích được giao, qua đó, có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo môi trường sinh thái.

BĐBP Quảng Nam - một cầu nối để ông Po Loong Zím (bên phải) thông báo những vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ rừng ở địa phương. Ảnh: Lê Đồng

Hưởng lợi từ rừng

Chúng tôi tới thôn A Rầng 1, xã A Xan, huyện Tây Giang, Quảng Nam tới ba lần mới gặp được ông Po Loong Zím, bởi ông đi rừng sáng sớm, tới xẩm tối mới về tới nhà. Ông cho chúng tôi xem “chiến lợi phẩm” sau chuyến đi rừng là những tổ ong rừng đấy, mật trong sáp. Hỏi chuyện mới biết, ông Zím là người có uy tín, trong cộng đồng người Cơ Tu ở A Xan. Ông cũng là thành viên tích cực của nhóm hộ gia đình tham gia quản lý, bảo vệ rừng ở thôn A Rầng, dù đã ngoài 70 tuổi.

Theo ông Zím, từ ngày nhận giao quản lý bảo vệ rừng, bà con trong thôn đều có ý thức bảo vệ, chăm sóc rừng. Đều đặn hàng tháng, các hộ trong nhóm cắt cử nhau đi sâu vào rừng già kiểm tra, nắm bắt tình hình trong diện tích rừng mà nhóm được giao khoán bảo vệ. Nếu phát hiện có người vào rừng chặt phá cây, săn bắt động vật hoang dã, hay phát hiện cây to bị đổ, ngã, nhóm sẽ báo cho lực lượng Kiểm lâm hoặc BĐBP để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ngoài những lần đi kiểm tra rừng theo lịch đã định, ông Zím thường một mình vào rừng tìm và “chăm sóc” các tổ ong rừng cho tới ngày khai thác. Vào mùa thu hoạch, mỗi ngày vào rừng, ông thường thu được vài lít mật ong. Với giá 500.000 đồng một lít, số tiền thu được từ nghề khai thác mật ong rừng cùng với tiền được chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp cho gia đình ông có được khoản thu nhập thường xuyên để trang trải cuộc sống.

Trong những ngày lưu lại ở A Xan, chúng tôi được nghe khá nhiều về câu chuyện bảo vệ, giữ gìn rừng của bà con Cơ Tu ở đây. Họ coi rừng già là nguồn sống của mình. Ý thức bảo vệ, giữ gìn rừng đi sâu cả vào trong tiềm thức tâm linh của họ. Tất cả người Cơ Tu đều tuân thủ luật bất thành văn là không xâm phạm rừng già, đặc biệt là khu vực rừng pơ mu. Nhờ đó, mà đến nay A Xan còn nguyên vẹn một khu rừng pơ mu nguyên sinh hàng trăm năm tuổi.

Từ khi rừng pơ mu nguyên sinh được cộng nhận là rừng cây di sản, người dân A Xan càng chú tâm hơn nữa vào công việc bảo vệ, giữ gìn rừng cây này. Hiện nay, người ta đã mở một con đường đi xuyên rừng, vào tận khu vực trung tâm của rừng pơ mu để phục vụ cho dự án khai thác du lịch sinh thái từ rừng cây. Nếu dự án này thành công thì người dân bản địa sẽ là nhóm người ít nhiều được hưởng lợi từ rừng pơ mu này. Trên cơ sở nền tảng là cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp của khu rừng nguyên sinh, các cộng đồng dân cư ở đây có thể cung cấp cho các tour du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay với các món ăn truyền thống, bán các sản phẩm truyền thống.

Khi trò chuyện với chúng tôi, ông Po Loong Zím bảo rằng, cái lợi lớn nhất khi mọi người đều đồng lòng bảo vệ rừng là được hưởng môi trường thiên nhiên trong lành. Từ số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, thôn của ông và một số thôn trong xã đã xây dựng được những con đường bê tông theo chuẩn nông thôn mới, giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn. “Trong tương lai, bà con sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nữa từ việc phát triển du lịch sinh thái dựa trên việc khai thác cảnh quan thiên nhiên của những cánh rừng già” – Ông Po Loong Zím nói.

Độ che phủ rừng tăng lên

Thực tiễn khẳng định, giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số là một chủ trương lớn, đúng đắn, phù hợp với chính sách xã hội hóa trong bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ chính sách giao đất giao rừng cho các hộ dân là người dân tộc thiểu số đã góp phần thực hiện chiến lược điều chỉnh, phân bố lao động dân cư, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững trong toàn ngành lâm nghiệp, gắn với củng cố an ninh, quốc phòng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích rừng nước ta hiện có 14,062ha. Tính đến ngày 31-12-2016, khoảng 78% (hơn 11 triệu ha) diện tích rừng của cả nước đã được giao cho cộng đồng, hộ gia đình quản lý. Phần còn lại hiện chưa được giao mà đang được quản lý bởi UBND xã. Theo số liệu báo cáo đến đầu tháng 8-2017 của 37 tỉnh, có 11.525 cộng đồng dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng (chiếm 90% tổng số cộng đồng) và có gần 280.000 hộ gia đình dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng với diện tích hơn 700.000ha.

Thực tế cho thấy, chính sách giao đất, giao rừng cho hộ gia đình đã phát huy được tính hiệu quả trong sử dụng đất và bảo vệ rừng. Nhiều gia đình đã phát huy tính chủ động sau khi nhận đất, tiến hành thực hiện các hoạt động đầu tư trồng rừng, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho hộ, trực tiếp làm tăng độ che phủ rừng.

BĐBP Thanh Hóa giao giống cây cho người dân trên địa bàn trồng rừng. Ảnh: Lê Đồng

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sau hơn 20 năm thực hiện chủ trương, chính sách về giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng đã góp phần quan trọng phục hồi rừng và nâng cao độ che phủ rừng. Tỷ lệ che phủ rừng không ngừng tăng lên từ 27,8% năm 1990 (thấp nhất) lên 39,5% vào năm 2010 và đạt trên 41,19% và năm 2016.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng đã tạo được tâm lý an tâm đầu tư vào rừng, tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế. Quyền sử dụng đất lâm nghiệp ổn định và lâu dài đã tác động đến tư duy kinh tế, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của nhiều hộ gia đình nông dân miền núi, tạo điều kiện nâng cao quyền tự chủ về kinh tế. Xuất hiện nhiều mô hình hộ gia đình, mô hình liên kết cộng đồng quản lý sử dụng rừng và đất rừng hiệu quả, bằng việc kết hợp các biện pháp khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên với trồng bổ sung cây bản địa gắn với quy hoạch các vùng nông lâm kết hợp, trồng xen dưới tán rừng lấy ngắn nuôi dài, điển hình là ở các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Bình….

Có thể nói, kết quả giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp đã tạo được tiền đề đảm bảo rừng có chủ thực sự, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả. Từ đó, tác động thúc đẩy phát triển lâm nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn miền núi. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được giao đất giao rừng từng bước ổn định, phát triển bền vững.

Tác giả: Bích Nguyên

Nguồn tin: Báo Biên phòng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok