Du lịch

Rủ nhau đi đón tết sớm cùng bà con người Mông

Với cư dân nông nghiệp Việt nói chung, Tết là cái gì thiêng liêng và tha thiết nhất với những hy vọng mới. Chẳng biết từ lúc nào, ngày Tết của đồng bào Mông (sớm hơn chừng một tháng so với Tết Nguyên đán) đã thu hút được sự quan tâm của du khách gần xa.

Giờ đây, nhắc đến tết của đồng bào Mông sẽ chẳng còn xa lạ với rất nhiều người miền xuôi. Thậm chí, trong máy tính hay điện thoại của họ còn lưu giữ những hình ảnh chụp những rừng đào, rừng mận nở trong sương mù, nắng xuân, những thiếu nữ, em bé Mông đáng yêu và những bạn người xuôi duyên dáng trong bộ trang phục dân tộc này. Ngày Tết ấy đã có sức lan tỏa rất lớn bởi những giá trị văn hóa bản nguyên.

Trò chơi ngày tết của đồng bào Mông (ảnh: BVP)

Cứ vào cuối tháng 10 âm lịch, những nhóm bạn lại rục rịch rủ nhau lên chương trình, kế hoạch, xe cộ… để ngược đèo lên đón tết của đồng bào Mông. Từ chỗ là khách vãng lai xa lạ nâng ống kính ghi lại những điệu múa, những trò chơi dân gian, nhiều bạn đã kết giao với người dân nơi đây để cùng san sẻ niềm vui đón Tết. Thế là những chén rượu ngô lại được giót ra nhiều hơn, những lời chúc năm mới, những nụ cười như được chắp thêm đôi cánh bay xa.

Lên với Tết của đồng bào Mông bây giờ là phải được đắm mình trong không khí tết và “nhập vai” mới thỏa. Khoác lên mình bộ trang phục lộng lẫy đã hội tụ tinh hoa ngàn đời, tưởng như ta đang được trở thành một thành viên của đồng bào Mông vốn kiên cường nơi dẻo cao này. Thưởng thức vị thơm ngon của chiếc bánh giày, vị men nồng của chén rượu ngô, thả hồn trong tiếng khèn mùa xuân gọi bạn…


Những thiếu nữ miền xuôi trong trang phục đồng bào dân tộc Mông (ảnh minh họa, nguồn: Internet).

Tôi ấn tượng nhất là khi nhìn các thiếu nữ miền xuôi mặc những chiếc váy như cánh bướm xinh đẹp. Lúc ấy trông họ vừa hồn nhiên, mộc mạc vừa quý phái. Có lẽ, đó cũng là lúc ta nhận ra tình cảm gắn bó sâu đậm giữa các dân tộc anh em trong ngày Tết như thế.

Chia tay những người bạn Mông để trở về, chỉ non tháng nữa lại đến ngày Tết cổ truyền của người Việt và nhiều dân tộc khác. Những cái tết nối tiếp nhau tạo nên một vẻ đẹp của đất nước này, vẻ đẹp của sự ấm no và giá trị văn hóa truyền thống.

Tác giả bài viết: Bùi Việt Phương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok