Trong tỉnh

“Rốn lũ” ngày cuối năm

Về huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) sau hơn 2 tháng trận lũ lịch sử, chúng tôi không còn phải đi bằng thuyền, những con đường bị ngập nay đã được thu dọn, chỉnh trang. Dọc triền sông Bưởi một màu xanh của ngô, mía, rau màu… đang dần được hồi sinh, thay thế cho màu của bùn đất. Đâu đó trong tiếng râm ran, í ới trên những cánh đồng màu của bà con như dự báo cho một mùa xuân mới, đời sống của người dân lũ dần được ổn định.

Bà Vũ Thị Ngần (ở thôn Định Hưng, xã Thạch Định). Ảnh: Ngọc Hưng

Chồi xanh trên đất lũ

Chúng tôi tìm đến hộ gia đình bà Vũ Thị Ngần (ở thôn Định Hưng, xã Thạch Định) khi bà đang hối hả phơi hóng lại một ít thóc bị ngập trong lũ. Bà Ngần cười bảo: “Thóc này phơi hóng lại rồi cho gà, vịt ăn… chứ người ăn sao nổi! Cũng chẳng biết gà vịt nó cũng có ăn không nữa. Thôi thì cứ thử, được đâu hay đó”.

Là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn khi chồng mất sớm, nhà chỉ còn lại bà Ngần và anh con trai gần bước sang tuổi tứ tuần. Thế nhưng éo le thay, anh con trai lại bị bệnh thần kinh, suốt ngày đi lang thang và nói lảm nhảm. Kể lại trận lũ kinh hoàng như mới ngày hôm qua, bà Ngần thở dài: “Buổi lũ tràn về, tôi chỉ kịp quơ vội mấy bộ quần áo, đổ bì mấy cân gạo rồi dắt díu con chạy vội lên căn chòi tránh lũ. Vừa đặt chân lên chòi, ngoảnh lại, nước đã ngập ngang thân nhà”.

Bà Ngần nhớ lại, khi đó bà đang sắp xếp lại mớ chăn màn lấy chỗ trú thân, nhưng khi quay lại thì không thấy con trai đâu. Bà Ngần phát hoảng vội bò lại cầu thang nhìn xuống thì thấy con đang lần mò bước xuống, miệng hú hét, tay khua khoắng té nước liên hồi phấn khích. Vật lộn mãi với biển nước, cuối cùng bà cũng kéo được con lên. Cũng may, quá trưa, vài người hàng xóm tốt bụng lo cho mẹ con bà, chèo thuyền đến tiếp tế nồi mì có cái mà ăn.

Mười ngày bị nước lũ cô lập cũng là quãng thời gian bà Ngần và hơn 100 hộ dân khác trong thôn Định Hưng sống trong sự thắc thỏm lo âu và có cả phần tuyệt vọng. Nhà ít thì cũng đàn gà, con lợn, nhiều thì toàn bộ gia sản trong nhà, ngoài đồng bị nước lũ cuốn trôi. Nước lũ rút đến đâu, tường nhà, bờ rào thi nhau sụp đến đấy. Nhiều người chỉ còn biết đứng nhìn trong tuyệt vọng, xót xa tiếc nuối.

Gần 2 tuần vật lộn với mưa lũ mà mặt ai nấy đều vàng vọt, da bủng chì như vừa có một đợt bệnh dịch kéo qua làng. “Cũng may, trong lúc túng quẫn, nhiều đoàn cứu trợ đã kịp thời có mặt. Đoàn thì mì gói, gạo, dầu ăn, nước sạch, đoàn thì chăn màn, thuốc men… không thiếu thứ gì. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, coi đơn giản vậy mà ấm lòng lắm”, bà Ngần nhớ lại.

Trở về với thực tại, bà Ngần bảo, hôm nay trời rét đậm, luống bắp cải dự kiến sẽ cuốn bắp sớm hơn. Cứ với đà này, chỉ hơn nửa tháng nữa là toàn bộ số diện tích rau sạch của bà sẽ được các nhà hàng trên thị trấn xuống mua gom. Rau sạch, thu hoạch sớm đồng nghĩa với với việc sẽ bán được giá cao. Điều này khiến bà Ngần vui lắm. “Bao nhiêu phù sa lũ cuốn về cứ dồn hết lên đồng, rau màu chỉ cần xuống giống là bén rồi xanh tốt. Nếu trời thương, đừng bỏ sương muối, mẹ con tôi sẽ có cái tết tươm tất!” – rửa qua quýt đôi bàn tay dính đầy bùn đất, bà Ngần vui vẻ nói với chúng tôi.

Theo thống kê chưa đầy đủ của thôn Định Hưng, chỉ trong khoảng nửa tháng trong và sau lũ, đã có hàng chục đoàn cứu trợ trực tiếp đến tặng quà cho bà con. Chính điều này đã góp phần chia sẻ những khó khăn, lấy lại tinh thần và niềm tin cho người dân vùng bị nước lũ cô lập. Nước lũ đã khiến 169ha lúa hè thu, 27ha mía và rau màu của toàn xã bị thiệt hại nặng nề, nên ngay sau khi lũ rút, chính quyền và nhân dân Thạch Định bắt tay vào dọn dẹp vệ sinh môi trường, dựng lại nhà cửa, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, đặc biệt là sản xuất rau màu vụ đông.

Để người dân vùng rốn lũ Thạch Định không bị rơi vào cảnh thiếu lương thực, cùng với sự hỗ trợ của các đoàn thiện nguyện, UBND huyện Thạch Thành đã trích từ nguồn dự trữ của huyện hơn 138 tấn gạo cấp cho các xã. Nhiều công ty phân bón, giống cũng đã có mặt, kịp thời để hỗ trợ người dân…Chính vì vậy, chỉ hơn 1 tháng sau khi lũ rút, toàn bộ diện tích đất màu của Thạch Định đã xanh lại màu xanh của ngô và các loại cây rau màu ngắn ngày khác.

Không còn nỗi lo mất Tết!

Ngày cả xã Thạch Định bị dìm sâu trong biển nước mênh mông, chúng tôi vào vùng bị cô lập, bắt gặp những khuôn mặt hốc hác, những giọt nước mắt mặn đắng và có cả những nụ cười gượng đến dúm dó. Nơi đó, chúng tôi được nghe những câu chuyện chạy lũ đến hãi hùng… nhưng điều khiến chúng tôi ám ảnh đến bây giờ là ánh mắt màu bàng bạc, thất thần của bà Lại Thị Minh (ở thôn 2, xã Thạch Định - người đàn bà góa bụa ngồi bên bờ thềm còn nhầy nhụa bùn đất, dưới chân là biển nước) với ánh mắt đờ đẫn, buông xuôi và có pha sự tuyệt vọng.

Nhà bà Minh nằm ngay sát cánh đồng mía của xã. Chúng tôi có mặt tại gia đình bà Minh vào khoảng 10h ngày 3/1/2018. Nhà im ắng quá! Tôi kéo chiếc rào tre chắn ngang cửa cổng, dượm bước vào. Thấy động, con chó con từ đầu hồi chạy ra sủa nhắng nhít. Bà Minh lọm cọm chui ra từ căn bếp mới được dựng bằng những thân tre vừa khô vỏ. Gặp lại tôi bà vui lắm. Bà kể, ngay sau khi nước lũ rút, chính quyền đã huy động người xuống giúp bà dọn dẹp, sửa sang lại ngôi nhà, dựng lại căn bếp bị cuốn mất trong nước lũ. Một số đoàn từ thiện về tận nơi tặng bà nào chăn màn, quần áo, thực phẩm, tiền mặt.

Rồi bà Minh tất tả kéo chúng tôi ra sau vườn, chỉ đàn gà con lông còn óng tơ khoe: “Đây là đàn gà giống gần 20 con được mua bằng tiền của các đoàn từ thiện hỗ trợ. Hơn 20 con gà giò lần trước bị nước lũ cuốn mất cả, tiếc đứt ruột. Cũng may được sự giúp đỡ nên bà mới mua được đàn gà này. Cứ chịu khó chăm bẵm chả mấy chốc lại lớn nhanh như thổi!”.

Ông Vũ Trọng Hùng, Chủ tịch UBND xã Thạch Định cho biết: “Năm nay có vẻ gian nan với Thạch Định, nhưng gian nan mới biết bền lòng. Bà con coi vậy mà nghị lực ghê lắm! Ai cũng hi vọng trong năm mới, mọi khó khăn sẽ qua và những điều hanh thông, tốt đẹp sẽ lại đến”.

Ông Vũ Trọng Hùng - Chủ tịch UBND xã Thạch Định cho biết: “Sau lũ, vấn đề mà cán bộ xã, huyện lo nhất không phải là thiếu đói, môi trường mà là tinh thần của người dân. Nhưng giờ đây tất cả đã trở lại trạng thái bình thường. Dẫu những thiệt hại do mưa lũ gây ra là chưa thể bù đắp trong một sớm, một chiều nhưng chúng tôi tin, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những tấm lòng hảo tâm trên cả nước và trên hết là tinh thần vượt khó của người dân Thạch Định, mọi khó khăn rồi sẽ nhanh chóng qua đi!”.

Tác giả: Ngọc Hưng

Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội

  Từ khóa: cuối năm , rốn lũ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok