Chúng tôi tìm về nhà của chị Trương Thị Đường (SN 1996, trú tại xóm Kẻo, xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) vào một chiều đông lạnh. Những cơn gió chiều len lỏi qua từng kẽ lá rít lên qua từng kẽ lá càng khiến cho cái lạnh thêm buốt giá muốn cắt đi từng thớ thịt. Đến đầu xóm, chúng tôi hỏi một người phụ nữ đường vào nhà chị thì được chỉ dẫn tận tình lối vào nhà chị Đường một cách tường tận.
Vừa đi, người phụ nữ đã ngoài 40 tuổi vừa tâm sự: Nhà Đường thì hỏi ai đây cũng biết, nó khổ lắm chẳng có cái gì, mới sinh con rồi bệnh tật nữa. Chúng tôi ở đây ai cũng muốn giúp nhưng ngặt nổi chẳng ai có cái gì để mà cho cả vì tất cả cũng nghèo khổ.
Anh Đăng đang cho vợ mình ăn bằng cách tiêm thức ăn qua đường ống xông |
Chị Đường nằm bất tỉnh trên giường. |
Câu chuyện của người phụ nữ kết thúc khi chúng tôi dừng lại trước một căn nhà nhỏ nằm heo hút nơi cuối cùng của thôn. Vừa đến nơi chúng tôi đã nghe tiếng khóc ngằn ngặt của đứa trẻ thơ vọng ra từ căn nhà nhỏ, nó như xé nát tâm can của mọi người. Bên trong căn phòng, chồng chị Đường, anh Đỗ Đình Đăng đang dùng xi lanh để đút cháo cho vợ.
Thấy khách vào, ông Trương Văn Đại (bố của chị Đường), vội vàng dựng bình oxy sang một bên lấy chỗ để tiếp khách. Chiếc bình oxy này cũng chính là nguồn sống của chị Đường, nếu nó cạn đi cũng là lúc tính mạng của người phụ nữ khốn khổ bị đặt giữa làn ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.
Bà Sinh bế cháu mà lòng quặn thắt. |
Ông bà Sinh chăm con dâu những ngày cuối cùng. |
Cố nén những cảm xúc của mình ông Đại nghẹn ngào: “Nó còn trẻ quá, con thì mới 3 tháng. Từ ngày sinh con ra nó đã được nhìn mặt con nó đâu. Các anh thấy đấy nhà có còn gì đâu bây giờ muốn cứu lấy con nhưng …”, nói đoạn đôi mắt ông nhạt nhòa.
Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mới học xong cấp 3 thì chị Đường xin ra Bắc đi làm công nhân để lấy tiền phụ giúp gia đình. Cùng cái cảnh nghèo khổ với nhau chị quen và nên duyên cùng anh Đỗ Đình Đăng. Sau ngày cưới hai vợ chồng lại khăn gói cùng nhau ra Bắc để làm thuê.
Nhưng từ lúc chị Đường mang thai sức khỏe rất yếu không thể làm được công việc nặng nên người chồng đành phải đưa vợ về ở với bố mẹ đẻ để gia đình tiện chăm sóc, còn anh vẫn một mình ở lại tiếp tục làm lụng góp nhặt từng đồng tiền lương ít ỏi lo cho vợ và đứa con tương lai.
Việc làm không có, Đăng như biết trước số phận vợ mình chắc không lâu sẽ qua đời và sẽ khó lòng nuôi con nhỏ khi cháu mới hơn 3 tháng tuổi. |
Đến thời điểm gần sinh, Đường lên cơn sốt nhẹ sau đó được bố đẻ đưa ra BVĐK huyện Tân Kỳ thăm khám. Tại đây các bác sĩ bảo thai nhi vẫn bình thường nên gia đình đã đưa về nhà. Tuy nhiên hai ngày sau, chị Đường vẫn sốt không thuyên giảm nên gia đình lại đưa chị ra bệnh viện. Sau đó chị hạ sinh một bé gái, tuy nhiên bản thân chị thì thì rơi vào tình trạng hôn mê bất tỉnh, bệnh tình diễn biến theo chiều hướng xấu.
Ngay sau đó, gia đình đã đưa chị tới bệnh viện HNĐK Nghệ An để điều trị. Tại đây, sau một tháng chữa trị bệnh tình của chị không thuyên giảm mà còn nặng hơn. Thương con, bố mẹ và chồng chạy vạy vay mượn khắp nơi rồi tiếp tục đưa chị ra bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội để điều trị. Nhưng sau nửa tháng điều trị tại đây các bác sĩ khuyên gia đình nên đưa chị về nhà để chăm sóc vì căn bệnh đã quá hiểm nghèo.
"Gia đình có nghe bệnh viện họ nói con (con dâu) bị tắc mạch máu não gì đó. Giờ thì không biết thế nào nữa, ở nhà cứ cố cầm cự không biết giờ nào con...", bà Sinh mẹ chị Đường bỏ lưng cấu nói rồi rơi nước mắt.
Cả vợ chồng ông bà Sinh thương con thương cháu nhưng không biết phải làm sao. |
Cuộc sống vốn đã nghèo khổ túng thiếu đủ đường, từ lúc chị Đường mang trọng bệnh lại càng thêm khốn cùng. Nghe tin vợ lâm trọng bệnh anh Đăng vội về chăm sóc, mọi tài sản cũng đã cạn kiệt, tất cả số tiền vay mượn của bà con lối xóm, đến căn nhà của bố mẹ vợ anh cũng mang đi cầm cố để trang trải chi phí cho những lần điều trị cho vợ.
“Lúc sinh con ra cũng là khi vợ em rơi vào tình trạng hôn mê sâu, đến giờ vợ em cũng chưa tỉnh lại để một lần được nhìn thấy mặt con mình. Con thì không một lần được bú mẹ, không một lần được mẹ ôm vào lòng. Từ ngày lọt lòng cháu đã phải xin sữa để uống”, anh Đăng nghẹn ngào.
Quá đói sữa, cháu bé khóc nấc suốt ngày. |
Trên giường, chị Đường nằm bất động vì sự sống được duy trì bằng ống thở từ bình ôxy. Thi thoảng những tiếng nấc nghẹn qua ống thở oxy càng khiến cho mọi người bên cạnh lo sợ. Anh Đăng hàng ngày vẫn túc trực bên vợ đút cháo cho chị bằng ống tiêm qua lỗ mũi.
Lâu lâu anh Đăng cố áp người con gái vào cơ thể của mẹ để hai mẹ con được hơi ấm của nhau, anh tin rằng vợ mình có thể cảm nhận được con gái bé bỏng và đó cũng chính là nghị lực để chị tiếp tục cuộc chiến của chính mình trở về bên bố con anh. Cứ hễ ai có thông tin về việc điều trị căn bệnh của vợ là anh lại vội vã chạy vạy vay mượn để lên đường để tìm đến tận nơi với hi vọng có một phép màu xảy ra.
Bà Sinh nghẹn ngào: “Mọi thứ cũng đã bán hết rồi, gia đình đang còn con trâu cuối cùng cũng đang rao bán để đưa con đi bệnh viện chứ để con ở nhà nóng ruột lắm chú ơi! Chả lẽ nhìn con cứ chết dần trên giường như thế này”.
Căn nhà lụp sụp của vợ chồng Đăng. |
Xác nhận chính quyền địa phương về hoàn cảnh gia đình anh Đăng. |
Chúng tôi rời ngôi nhà nhỏ khi những giọt nắng cuối cùng buông xuống, ngoài trời gió vẫn rít qua từng kẽ lá khiến cái lạnh của buổi chiều mùa đông nơi huyện miền núi Nghệ An càng thêm buốt giá. Không khí trong căn nhà như nặng trĩu, từng ánh mắt vẫn dõi theo, lắng tai nghe mỗi nhịp thở của người vợ, người mẹ trẻ trên giường bệnh. Hình ảnh người chồng ôm đứa con thơ dại vừa ru con vừa chăm sóc cho vợ như xé nát cõi lòng của chúng tôi. Đôi mắt anh dõi theo chúng tôi như muốn cầu khẩn khiến không ai cầm nổi nước mắt.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 2746: Anh Đỗ Đình Đăng, ở xóm Kẻo, xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. SĐT: 01675.285.468 - bà Sinh mẹ anh Đăng. |
Tác giả: Nguyễn Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí