Hiện nay, tỉnh Thanh hóa có trên 90 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, với tổng diện tích 1.700 ha, trong đó, trên 400 ha đã được cấp chứng nhận VietGap. Tuy nhiên, phần lớn diện tích này chưa xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, do đó sản lượng rau sạch được tiêu thụ theo hợp đồng chỉ chiếm 30-40%, còn lại được tiêu thụ ở các chợ địa phương. Bởi vậy mà nguy cơ thiếu tính bền vững trong canh tác rau an toàn đang dần hiện hữu.
Rau an toàn tại Thanh Hóa đang gặp khó khăn về đầu ra. (Ảnh minh họa: KT) |
Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa có 24 ha rau an toàn, trung bình mỗi ngày Hợp tác xã này đưa ra thị trường khoảng 2 tấn rau các loại. Thế nhưng, chỉ có khoảng 30% trong số đó được tiêu thụ qua hợp đồng ký kết với một số bếp ăn tập thể và siêu thị, còn lại bà con xã viên tự tiêu thụ với nhiều hình thức. Đầu ra bấp bênh là nguyên nhân dẫn đến các xã viên không mặn mà với mô hình sản xuất này, khiến diện tích và sản lượng rau an toàn của Hợp tác xã giảm.
Ông Lê Xuân Sơn, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa cho biết: “Hợp tác xã hiện nay đăng ký 24,5 ha rau an toàn, diện tích đủ điều kiện kinh doanh là 70 ha. Nhưng vì không làm được ở mức đó nên chỉ đăng ký 24 ha. Vấn đề nơi tiêu thụ là quan trọng, không có nơi tiêu thụ không dám làm nhiều”.
Cùng với Hoằng Hóa, các huyện Thiệu Hóa, Nông Cống… có diện tích rau an toàn lớn, thế nhưng phần lớn sản phẩm rau an toàn của các địa phương này chưa được tiêu thụ qua các kênh liên kết theo chuỗi.
Ông Nguyễn Văn Biên, công chức nông nghiệp xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống cho biết, rau an toàn đang bị đánh đồng, thậm chí không cạnh tranh được với rau quả thông thường: “Khó khăn lớn nhất của việc không có hợp đồng là sản xuất thiếu tính kế hoạch, không có kế hoạch cụ thể, chủng loại, sản lượng rau tự phát do bà con tự phát. Nhiều khi thương lái không có hợp đồng họ không mua và sản phẩm rau bị mất giá hoặc không tiêu thụ được”.
Thị trường tiêu thụ chưa ổn định là khó khăn lớn nhất trong sản xuất và phát triển nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay. Thực tế cho thấy, sản phẩm ở các vùng sản xuất nông sản an toàn chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ ở địa phương. Một vấn đề nữa là, sự liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, các hợp tác xã với nông dân thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp lợi ích các bên. Vai trò của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng một số dịch vụ đầu vào, chưa tham gia một cách hiệu quả việc bảo đảm đầu ra cho nông sản.
Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2020 có hơn 3.000 ha sản xuất rau an toàn tập trung. Tuy nhiên, nếu không giải quyết tốt bài toán đầu ra cho sản phẩm rau an toàn, thì mục tiêu trên sẽ khó hoàn thành và thiếu tính bền vững./.
Tác giả: Hoài An
Nguồn tin: Báo VOV