Xe

Rầm rập mua ôtô, dân Việt vượt Malaysia, Singapore

Thị trường ôtô Việt Nam rất tiềm năng. Các doanh nghiệp ngày càng ra nhiều mẫu xe mới, thiết kế đẹp, công nghệ hiện đại để cạnh tranh hút khách.

Sẽ sớm vượt qua Malaysia

Ông Kenichi Horinouchi, Tổng giám đốc của Mitsubishi Motors Việt Nam, cho biết, thị trường ôtô Việt Nam đang tăng trưởng ấn tượng, thời gian tới sẽ vượt cả Malaysia để vươn lên vị trị thứ 4 tại khu vực, sau Thái Lan, Indonesia và Philippines. Về lâu dài, thị trường là rất tiềm năng và không thể bỏ qua.

Trong khi đó, giữa năm ngoái, dẫn số liệu tăng trưởng ngành công nghiệp ôtô ở khu vực Đông Nam Á, tờ Straits Times cho hay, doanh số bán hàng ở Việt Nam là 37,6% năm 2014. Con số này cao nhất khu vực. Singapore đứng đầu con số tăng trưởng xe của khu vực, ở mức 30% từ 2015-2019. Tuy nhiên, vị trí này đang bị đe dọa bởi hai nước là Philippines và Việt Nam.


Có lẽ đây chính là lý do khiến Mitsubishi Motors quyết định tăng đầu tư, nâng công suất nhà máy lên 8.000 xe/năm, mở thêm các đại lý bán hàng và lắp ráp thêm các mẫu xe tại Việt Nam.

Kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2017 và đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% để xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN, trước mắt sẽ áp dụng với mẫu Outlander mới.

Từ cuối 2014, Mitsubishi đã giảm lắp ráp tại Việt Nam và chuyển hướng sang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về phân phối. Như vậy, cùng với các DN khác là Ford Việt Nam, Toyota Việt Nam, Vina Mazda, Hyundai Thành Công,... các doanh nghiệp ôtô đang gấp rút tăng đầu tư và đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ để sớm có sản phẩm trước 2018.

Theo các doanh nghiệp, cho dù tới 2018 nhập khẩu ô tô nguyên chiếc được cho là thuận lợi hơn so với nhập linh kiện về lắp ráp, thì cũng chỉ bất lợi với doanh nghiệp phải nhập cả những linh kiện cồng kềnh như khung gầm. Nếu những chi tiết này được sản xuất tại chỗ thì vẫn có lợi thế.

Vì vậy, các dự án ô tô sẽ đi theo hướng nội địa hóa các chi tiết cồng kềnh, tốn kém chi phí vận chuyển, sử dụng nhiều nhân công như thân vỏ xe, ghế ngồi, các chi tiết nhựa...

Với việc chế tạo được toàn bộ thân vỏ xe từ thép tấm, cộng một số linh kiện đơn giản như nhựa, ghế ngồi, ắc quy, săm lốp,... trong nước thì tỷ lệ nội địa hóa đã đạt trên 40%, đủ tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu sang khu vực, được hưởng ưu đãi thuế quan 0%.

Mặc dù sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn với xe nhập khẩu, nhưng các doanh nghiệp cho biết sẽ phấn đấu giảm giá bán để cạnh tranh giành thị phần. Mặt khác, họ cũng mong muốn Chính phủ có những chính sách để bảo vệ nhà đầu tư và ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Tăng trưởng ấn tượng

Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số bán ôtô cả nước trong tháng 7/2016 đạt 28.004 xe, tăng 15% so với tháng 6/2016 và tăng 38% so với tháng 7/2015.

Thị trường ôtô Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Với tốc độ này, dự báo cả năm 2016 nhập khẩu xe về Việt Nam có thể đạt ngưỡng 300.000, bởi giá nhiều mẫu xe giảm và nhu cầu về ô tô cuối năm tăng cao.

Dẫn đầu thị trường trong 7 tháng qua là mẫu Vios của Toyota Việt Nam, tiếp đến là mẫu Pick up Ranger của Ford Việt Nam hay Innova cũng rất ăn khách,...

Những chiếc Crossover ngày càng được khách hàng có tiền ưa chuộng.

Theo số liệu của VAMA với xe chở người từ 9 chỗ trở xuống, nhiều phân khúc có sự tăng trưởng ấn tượng. Từ xe hạng A, hạng B cỡ nhỏ, giá rẻ di chuyển trong thành phố, đến dòng Crossover (đa dụng cỡ vừa), có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng, có doanh số tăng mạnh.

Đặc biệt dòng crossover dù có giá bán cao, nhưng doanh số bán cũng không thua kém xe hạng A, hạng B là bao và đang ngày càng "nóng" với sự cạnh tranh quyết liệt và sự tham gia của những "đối thủ nặng ký".

Với động cơ mạnh mẽ, gầm cao, linh hoạt, bền bỉ, đi lại thuận tiện cả trong thành phố lẫn đường trường, trang bị nhiều tính năng hiện đại, những chiếc crossover ngày càng được khách hàng có tiền ưa chuộng.

Nhận thấy đây là phân khúc có nhiều tiềm năng nên hàng loạt những cái tên đình đám đã bước vào cuộc ganh đua quyết liệt để giành thị phần.

Dẫn đầu phân khúc hiện nay là Mazda CX5. Số liệu bán hàng 7 tháng đầu năm 2016 cho thấy, Mazda CX5 đã vượt xa "kỳ phùng địch thủ" Honda CR-V, với doanh số bán đạt 4.375 chiếc, tăng trưởng 85% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Honda CR-V, tính hết tháng 7/2016 bán được 2.574 xe.

Không những thế, từ 8/8, xe Mazda CX-5 còn giảm giá thêm từ 28-40 triệu đồng, tùy từng phiên bản và tặng bảo hiểm vật chất. Điều này đồng nghĩa với việc mua xe Mazda CX-5 giá chỉ còn khoảng 940 triệu đồng cho bản động cơ 2.0L.

Tuy nhiên, thị trường có thể bị phá thế "song mã" bởi mẫu xe Outlander mới của Mitsubishi Việt Nam. Đây được coi là đối thủ xứng tầm của Honda CR-V và Mazda CX5. Dòng xe này được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản, với 3 phiên bản, có giá bán từ 975 triệu đến 1,27 tỷ đồng, tương đương hai mẫu xe trên. Song, lợi thế của xe này là nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản, cùng với nhiều đổi mới rất đáng chú ý về thiết kế, trang thiết bị khá hiện đại.

Tác giả bài viết: Trần Thủy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok