Giáo dục

Quyết định 281 và Thông tư 44 là nền tảng thúc đẩy sự nghiệp khuyến học

“Tôi tin rằng trong thời gian tới, cả kể Quyết định 281 và Thông tư 44 sẽ thực sự đi vào cuộc sống. Đây là nền tảng, là viên gạch đầu tiên để thúc đẩy sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của đất nước ta phát triển lên một tầm cao mới”, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.

Chiều 28/12, tại Đà Nẵng, hội nghị sơ kết một năm triển khai đại trà các mô hình học tập theo quyết định 281/QĐ-TTg và chỉ đạo điểm xây dựng cộng đồng học tập cấp xã theo Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT tiếp tục buổi làm việc thứ 2.

Theo Ban thư ký Đề án 281 (Hội Khuyến học Việt Nam), báo cáo của 36 tỉnh/thành Hội, năm 2016 đã chỉ đạo điểm đánh giá, xếp loại 2.391 xã, trong đó 728 xã đạt được 15 tiêu chí (30,4%), 739 xã đạt từ 11 - 14 tiêu chí (30,8%), 505 xã đạt 8 - 10 tiêu chí (21,1%) và 425 xã đạt dưới 8 tiêu chí (17,7%).

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - GS.TS. Nguyễn Thị Doan phát biểu tại hội nghị.

Sau một năm chỉ đạo điểm, các tỉnh, thành Hội bước đầu đã xác định được tính phù hợp, tính khả thi của các tiêu chí, các minh chứng, cũng như quy trình đánh giá, cách cho điểm xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã. Đã xác định được vai trò, trách nhiệm của UBND xã các cấp, của Hội khuyến học, ngành giáo dục - đào tạo và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương. Các địa phương cũng đã thấy rõ hơn những khó khăn, những vấn đề, những bài học kinh nghiệm để có thể tổ chức đánh giá gọn nhẹ nhưng vẫn bảo đảm đánh giá chính xác, khách quan, đúng thực chất và có tác dụng thúc đẩy phong trào học tập suốt đời ở cộng đồng và xây dựng xã hội học tập ở cơ sở. Việc đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã có rất nhiều khó khăn thách thức bởi đây là mô hình với 15 tiêu chí và 50 chỉ số thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, do nhiều ban ngành đoàn thể chịu trách nhiệm thực hiện. Hầu hết các địa phương đã tự tin hơn để có thể bắt đầu triển khai đại trà từ 2017 (trừ Vĩnh Long đề nghị kéo dài thêm 1 năm).

Cũng theo Ban thư ký Đề án 281, qua một năm chỉ đạo điểm, các địa phương đã đề xuất kiến nghị một số nội dung như: Đề nghị Bộ GD-ĐT rà soát lại các tiêu chí, một số tiêu chí quá cao cần được điều chỉnh. Đề nghị Bộ GD-ĐT và Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nghiên cứu, rà soát lại các minh chứng sao cho ngắn gọn hơn, đơn giản hơn. Bộ GD-ĐT cần làm rõ hơn trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, của Hội Khuyến học và Phòng GD-ĐT cấp huyện trong thực hiện thông tư 44/TT-BGĐT, tránh tình trạng một số nơi chỉ có cán bộ khuyến học thực hiện. Đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT và nhà trường, trung tâm học tập cộng đồng phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Hội Khuyến học các cấp triển khai đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã hàng năm…

Hội nghị được tổ chức tại TP Đà Nẵng

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS. Nguyễn Thị Doan cho biết, mặc dù các Hội Khuyến học hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn về kinh phí và sức khỏe nhưng đã triển khai công tác, nhiệm vụ một cách hết sức bài bản.

“Đây chứng tỏ là những kinh nghiệm quý báu của những năm công tác được chắt lọc. Các chủ tịch Hội cũng đã nắm rất chắc nội dung. Cách làm của mỗi địa phương có khác nhau nhưng đều thể hiện cách làm rất sáng tạo, chủ động và có nhiều đổi mới trong hình thức vận động và thúc đẩy phong trào, kể cả những tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền. Hầu như 100% địa phương đã có văn bản chỉ đạo của tỉnh ủy và UBND tỉnh. Điều đó, thể hiện tâm huyết, quyết tâm cao độ của chúng ta. Quyết tâm cao độ này nó đã truyền lửa đến các dòng họ và cộng đồng”, GS.TS. Nguyễn Thị Doan chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, những kết quả đạt được khi triển khai quyết định 281/QĐ-TTg đó là nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự tham mưu của các Hội Khuyến học, sự phối hợp giữa các Hội Khuyến học với các đơn vị, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Bên cạnh đó, các Hội khuyến học cũng đã có những kế hoạch tốt, triển khai công bằng, công tâm…

Bà Nguyễn Thị Doan cũng chỉ ra khó khăn lớn nhất hiện nay. Đó là các cấp chính quyền của nhiều địa phương chưa có sự thống nhất. Khó khăn lớn thứ hai là không có kinh phí hoạt động. Bên cạnh đó, có một số tiêu chí khó định lượng. Vì thế cần phải nghiên cứu sâu sắc hơn để vận dụng các tiêu chí này…

“Thời gian vừa qua, 63 tỉnh thành là 63 bông hoa nở khác nhau. Tuy không có kinh phí nhưng các Hội đã hết sức cố gắng để tạo nên kết quả hôm nay. Cho nên trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục phát huy tinh thần mà các đồng chí đã làm. Và sau hội nghị này, tinh thần ấy phát triển hơn nữa để nhiệm vụ 281 trong năm 2017 đạt chỉ tiêu đề ra”.

Về thông tư 44, bà Nguyễn Thị Doan cho hay, Hội Khuyến học đã vào cuộc rất tích cực mặc dù nghị quyết 89 là Giao cho Bộ GD-ĐT. Những kết quả đó là nền tảng hết sức quan trọng để giúp cho Bộ GD-ĐT triển khai Thông tư 44 trong thời gian tới đạt kết quả tốt.

GS.TS. Nguyễn Thị Doan yêu cầu, trong thời gian tới, Hội Khuyến học phải phối hợp thật tốt với Bộ GD-ĐT.

“Tôi tin rằng, trong thời gian tới, cả kể 281 và 44 sẽ thực sự đi vào cuộc sống. Đây là nền tảng, là viên gạch đầu tiên để thúc đẩy sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của đất nước ta phát triển lên một tầm cao mới”, Chủ tịch Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Khánh Hồng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok