Kinh tế

Quỳ Hợp bàn giải pháp phát triển cây cam giai đoạn 2016-2020

Hội đồng khoa học và công nghệ huyện Quỳ Hợp vừa tổ chức hội thảo khoa học bàn giải pháp phát triển chuỗi giá trị cây cam giai đoạn 2016-2020.

Huyện Quỳ Hợp có lịch sử phát triển cây có múi từ lâu đời, chủ yếu trồng ở nông trường 3/2 và nông trường Xuân Thành (cũ). Từ năm 2007 đến nay, được cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý thương hiệu cam Vinh, cây cam, quýt ở huyện Quỳ Hợp bắt đầu phát triển mạnh. Đến nay, toàn huyện có 1.945,5ha cây ăn quả có múi tập trung ở các xã: Minh Hợp, Nghĩa Xuân, Văn Lợi, Hạ Sơn.

Năm 2015, sản lượng cây ăn quả có múi ước đạt hơn 18.000 tấn, tăng gần 5.000 tấn so với năm 2011. Trong số các cây ăn quả có múi, cây cam vẫn là cây trồng có vị thế đứng đầu với diện tích hơn 1.500 ha, trong đó diện tích cam kinh doanh khoảng 600 ha, sản lượng cam bình quân toàn huyện đạt 12.000 tấn/ năm. Cam Quỳ Hợp với thương hiệu “Cam Vinh” hiện đã có mặt tại thị trường nhiều tỉnh, thành trong cả nước dưới dạng quả tươi, chưa qua chế biến. Người trồng cam chủ yếu bán qua thương lái hoặc trực tiếp qua khách hàng.

Toàn cảnh Hội thảo


Tuy nhiên, việc sản xuất cam trên địa bàn huyện Quỳ Hợp còn gặp nhiều tồn tại, khó khăn như: Việc trồng cam tự phát tràn lan ở nhiều vùng khác nhau, dẫn đến tình trạng năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp, gây tổn thất cho nhân dân; tình trạng người dân lạm phát thuốc bảo vệ thực vật, phun thuốc nhiều, sử dụng không đúng loại thuốc gây phá vỡ hệ sinh thái đồng ruộng, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng; Quy trình trổng cam theo tiêu chuẩn VietGap chỉ mới áp dụng trong phạm vi hẹp,diện tích nhỏ so với diện tích cam toàn huyện. Sản phẩm cam sau thu hoạch chưa đạt yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các nước tiên tiến, làm hạn chế cho việc xuất khẩu ra thị trường; Công nghệ bảo quản, chế biến các sản phẩm từ cam chưa được áp dụng trên địa bàn huyện...

Vườn cam của gia đình chị Trương Thị Nhung, xóm Văn Giai, xã Văn Lợi bước vào năm kinh doanh thứ nhất.


Từ thực trạng nói trên, việc xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp theo hướng sản xuất hàng hóa là điều cần thiết để phát huy tiềm năng, phát triển vùng sản phẩm cam hàng hóa bền vững, nhằm từng bước nâng cao sức cạnh tranh, từng bước hội nhập vào thị trường khu vực. Theo đó, từ nay đến năm 2020, toàn huyện phấn đấu có 3.000 cây ăn quả có múi, trong đó diện tích cây cam chiếm hơn 2.400 ha. Năng suất bình quân các giống cam đạt 21,5 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 31.150 tấn/ năm. Thu nhập của người trồng cam đạt từ 500-800 triệu đông/ năm.

Cam V2 được trồng trên đất Quỳ Hợp có độ rám, vị ngọt thanh


Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu các giải pháp để phát triển chuỗi giá trị cây cam như: Tăng cường quản lý nhà nước về quản lý quy hoạch vùng cam, hạn chế tối đa việc nông dân tự phát trồng cam tràn lan; Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên sâu về khoa học kỹ thuật cho người trồng cam. Khuyến khích và có các chính sách hỗ trợ người dân áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, cải tiến, sáng chế các công cụ lao động, thu hoạch, bảo quản nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất; Thành lập các đại lý giới thiệu sản phẩm cam Quỳ Hợp tại TP Vinh, Hà Nội và một số xã trên địa bàn huyện như: Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Thị trấn Quỳ Hợp.; Thiết kế Website, Facebook để quảng bá thương hiệu cam Quỳ hợp một cách rộng rãi...

Tác giả bài viết: Minh Nguyệt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok