Trong nước

Quy định mới có hiệu lực từ tháng 5

Nhiều quy định mới có hiệu lực từ tháng 5 như người có tiền bảo lãnh sẽ không bị giữ phương tiện vi phạm giao thông, cấm lao động Việt Nam ra nước ngoài làm nghề massage...

Nghị định 31/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5.

Có tiền bảo lãnh sẽ không bị giữ phương tiện vi phạm giao thông

Theo quy định mới, tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.

Tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm đơn gửi cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ đề nghị đặt tiền bảo lãnh phương tiện để được giữ, bảo quản phương tiện.

Sau khi người có thẩm quyền tạm giữ ra quyết định cho đặt tiền bảo lãnh, tổ chức, cá nhân có thể nộp tiền trực tiếp hoặc qua tài khoản cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện.

Ảnh minh họa

Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm.

Tổ chức, cá nhân vi phạm không được giữ phương tiện giao thông vi phạm nếu phương tiện của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự hoặc được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây tai nạn giao thông...

Cấm lao động Việt Nam ra nước ngoài làm nghề massage

Nghị định 38/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày 20-5.

Theo đó, người lao động không được đến làm việc ở nước ngoài thuộc khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự, đang bị nhiễm xạ, bị nhiễm độc, đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.

Nghị định cũng quy định danh mục bảy công việc người lao động không được đến làm việc ở nước ngoài.

Một là công việc massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí.

Hai là công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), tiếp xúc thường xuyên với mangan, điôxit thủy ngân.

Ba là công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại.

Bốn là công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất axit nitơric, natri sunfat, disunfua cacbon, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt có độc tính mạnh.

Năm là công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập.

Sáu là công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương).

Bảy là công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.

Cấm sao chép khi giải quyết thủ tục hành chính điện tử

Nghị định 45/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử có hiệu lực từ ngày 22-5 tới.

Theo đó, việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử có giá trị pháp lý như các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử (gọi tắt là người tiếp nhận, giải quyết TTHC) không được can thiệp trái phép vào quá trình thực hiện TTHC trên môi trường điện tử gồm truyền, thu thập, xử lý, gửi hoặc thông báo kết quả xử lý hồ sơ, giao dịch thanh toán.

Người tiếp nhận, giải quyết TTHC không được can thiệp trái phép, làm sai lệch dữ liệu hồ sơ, giao dịch thanh toán, kết quả xử lý TTHC; tiết lộ thông tin, sao chép dữ liệu trái thẩm quyền.

Người tiếp nhận, giải quyết TTHC không được gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép danh tính điện tử của tổ chức, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền.

Tác giả: DƯƠNG DUNG

Nguồn tin: Báo PL TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok