Theo quan điểm của ông thì bóng đá Việt Nam trong những năm gần đây có phát triển đúng với tiềm năng hay chưa?
Về tiềm năng con người, tiềm năng xã hội, trong khu vực Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam không thua ai cả, nhưng chúng ta chưa phát triển đúng với tiềm năng đấy. Đây là điều mà tôi rất trăn trở. Bóng đá của chúng ta có nhiều bất cập xuất phát từ quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam quá lỗi thời và lạc hậu.
Cụ thể, những gì mà FIFA cấm thì quy chế đấy buộc chúng ta phải làm. Ví dụ FIFA cấm 1 ông chủ có liên hệ với 2 đội bóng trở lên, nhưng bóng đá Việt Nam lại có hiện tượng một ông chủ gây ảnh hưởng đến 3 – 4 đội bóng. FIFA cấm các đại diện của các CLB tham gia công tác điều hành bóng đá, tham gia vào khâu điều hành giải đấu, để tăng tính khách quan, nhưng ở bóng đá Việt Nam thì các ông chủ, các vị chủ tịch, các giám đốc điều hành nhiều CLB ngồi đầy Ban chấp hành VFF, như vậy thì khách quan ở chỗ nào và ai xử ai được!
Vậy thì vai trò của những người làm công tác quản lý bóng đá ở đâu, trong việc để xảy ra tình trạng đấy?
Tôi không trách cá nhân ai cả, mà tôi muốn nhấn mạnh chuyện quy chế bóng đá chuyên nghiệp đang trói họ. Không phải chỉ ở thời điểm bây giờ, mà từ các nhiệm kỳ trước đã thấy bất cập. Rồi nhiệm kỳ tới, nếu không thay đổi quy chế cũng sẽ còn bất cập.
FIFA cấm giới trọng tài liên quan đến công tác tổ chức giải. Nhiệm vụ của mọi Ban trọng tài trên toàn thế giới chỉ là bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài, giới thiệu cho BTC giải đấu. Chứ trọng tài không tham gia vào công tác điều hành. Trong bóng đá Việt Nam thì trưởng Ban trọng tài còn ngồi cả vào ghế phó BTC giải, rồi tham gia”mổ băng” khi có sự cố. Việc đấy không phải của Ban trọng tài, mà thuộc về những nhà chuyên môn, hoàn toàn khách quan với giới trọng tài mới làm được, mới công tâm được. Ở đây, chúng ta làm sai hết, sai thông lệ quốc tế.
Tôi nhắc lại chuyện “một ông chủ nhiều đội bóng”, đừng trách bầu Hiển, vì quy chế sai mới dẫn đến cảnh đấy, chứ nếu quy chế chặt chẽ ngay từ đầu, sẽ không có hiện tượng đấy.
Để bóng đá Việt Nam tới đây tốt hơn, cần phải thay đổi những gì, thưa ông?
Phải thay đổi quy chế bóng đá chuyên nghiệp đi. Các nhà chuyên môn, những nhà làm luật nên ngồi lại và đưa ra chính kiến. Chứ quy chế bóng đá chuyên nghiệp hiện tại đang huỷ hoại cả nền bóng đá. Chuyện V-League nhiều đội hơn hạng Nhất là quá bất cập.
Trước đây, khi còn tham gia quản lý bóng đá, tôi từng nói chuyện với cựu chủ tịch VFF Mai Liêm Trực, xung quanh việc “mặt bằng bóng đá Việt Nam thấp hơn mặt bằng xã hội”. Quy chế của chúng ta, tạm gọi là luật bóng đá của chúng ta quá lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của xã hội thì còn điều hành được gì nữa.
Về chuyện nhân sự của VFF nhiệm kỳ tới, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Hình như nhiều người đang làm lộn ngược. Lẽ ra, điều mà người quản lý bóng đá, hoặc các ứng cử viên cần làm là thành lập ban trù bị, soạn thảo quy chế mới, rồi mới tìm nhân sự phù hợp. Nhân sự đấy cũng phải có chương trình hành động để mọi người đánh giá có khả thi hay không, thì người ta toàn làm ngược lại, chờ chiếm được vị trí mới bắt đầu tính toán.
Tôi cũng không quan trọng chuyện người quản lý bóng đá là người nhà nước, là doanh nhân hay là người đến từ các tổ chức xã hội, vì tôi biết FIFA cũng không quan tâm đến chuyện đấy. Vấn đề là phải làm đúng luật FIFA, phải chuyên tâm, không thể có chuyện vừa ngồi ghế nhà nước vừa tham gia tổ chức xã hội. Ngoài ra, đã là nhà quản lý thì làm việc phải có chiến lược, có lộ trình.
Ví dụ như đến lúc nào thì chúng ta xây dựng được hệ thống thi đấu như Thái Lan? Đến giai đoạn nào thì chúng ta đạt được thành tích gì? Cũng như kế hoạch xuyên suốt để thực hiện lộ trình đấy!
Xin cảm ơn ông!
Tác giả: Trọng Vũ (thực hiện)
Nguồn tin: Báo Dân trí