Giáo dục

Quốc hội yêu cầu môn lịch sử có cả phần bắt buộc và lựa chọn

Quốc hội yêu cầu thiết kế môn lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống.

Học sinh trong một tiết học nhóm tại Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành nghị quyết thứ 3 Quốc hội khóa XV. Trong đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học; triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai chương trình.

Bên cạnh đó, đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt là môn lịch sử.

Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn lịch sử trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri một số quận huyện của Hà Nội ngày 20-6 báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo bộ nghiên cứu, xem xét, tiếp thu ý kiến của cử tri đối với môn lịch sử và trong nghị quyết của Quốc hội cũng đề cập đến vấn đề trên.

Ông Sơn nói Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện các chỉ đạo cũng như tiếp thu các ý kiến của người dân, lên kế hoạch, bắt đầu áp dụng từ năm học 2022-2023. Theo tinh thần sẽ bố trí phần giáo dục lịch sử, bao gồm phần bắt buộc và phần lựa chọn.

Lựa chọn tức là có thiết kế trong chương trình, các nhà trường căn cứ vào điều kiện, tình hình và nhu cầu để bố trí cho học sinh học. Việc bố trí này trong khung thời gian cho phép của năm học, đảm bảo tính khả thi. Trên cơ sở này, ngay năm tới cũng chưa cần phải điều chỉnh trong sách giáo khoa.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo cũng nêu rõ trong ít ngày nữa bộ sẽ có hướng dẫn để các nhà trường có thể thực hiện thuận tiện.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra sáng 4-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đưa ra gợi ý, có thể nghiên cứu môn lịch sử theo hướng vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn.

Theo người đứng đầu Chính phủ, truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục văn hóa, lịch sử là đầu tư cho sự phát triển. Với các chính sách tác động tới toàn dân, tới lợi ích chính đáng của người dân thì phải rất thận trọng, nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng.

Còn trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 23-5, Ủy ban Văn hóa, giáo dục cũng nêu ý kiến nên thiết kế môn lịch sử bậc THPT gồm hai phần: kiến thức lịch sử (bắt buộc), kiến thức định hướng nghề nghiệp (lựa chọn). Đề nghị này được đưa ra sau khi ủy ban phân tích về thời lượng, nội dung của môn lịch sử.

Kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa

Liên quan đến chương trình và sách giáo khoa mới, nghị quyết của Quốc hội nêu rõ kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa.

Bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá; trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí.

Tác giả: Thành Chung

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok