Sáng 23/11 với tỷ lệ 85,74% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành Quốc hội chính thức thông qua Luật quản lý nợ công sửa đổi. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công, thay vì 3 cơ quan đầu mối như trước. Luật cũng giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công.
Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ chủ trì tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết thỏa thuận vay thương mại, hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ.
Bộ Tài chính sẽ là cơ quan đầu mối về quản lý nợ công. |
Báo cáo giải trình tiếp thu được Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày trước đó cũng cho biết, để tránh cách hiểu, cách áp dụng khác nhau, bảo đảm cụ thể, chặt chẽ, thống nhất về mặt pháp luật, tạo thuận lợi cho quá trình áp dụng, luật lần này đã bổ sung nội quy định trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa luật này và Luật Đầu tư công, Luật Ngân hàng Nhà nước thì áp dụng theo quy định của luật này.
"Quy một đầu mối quản lý nợ công về Bộ Tài chính là đúng theo tinh thần, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc một tổ chức có thể làm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính", cơ quan thường trực của Quốc hội đánh giá.
Với lần sửa đổi này, luật cũng bổ sung quy định về quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Cụ thể, tổ chức tín dụng được lựa chọn là cơ quan cho vay lại phải đáp ứng điều kiện như phải được ít nhất một trong các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng tín nhiệm ở mức tín nhiệm ngang bằng hoặc thấp hơn một bậc so với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải, quy định như trên là chặt chẽ, khách quan do các tổ chức này hoạt động độc lập, có uy tín trên phạm vi toàn cầu, xếp hạng theo phương pháp, quy trình đánh giá rất khắt khe cả về quản trị hoạt động và quản trị rủi ro.
Báo cáo về tình hình nợ công được Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khóa XIV cho biết, dự kiến cuối năm 2017 dư nợ công khoảng 3,13 triệu tỷ đồng, tương đương 62,6% GDP. Con số này giảm 1% so với cách đây một năm. Tuy nhiên, nếu xét về giá trị tuyệt đối thì dư nợ công năm nay lại tăng 0,27 triệu tỷ đồng.
Chính phủ cũng cho biết, đến hết năm 2017 nợ Chính phủ khoảng 2,59 triệu tỷ đồng (51,8% GDP) và nợ được Chính phủ bảo lãnh khoảng 498.000 tỷ đồng, nợ địa phương 39.600 tỷ.Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 16/11, giải trình về nợ công Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán rất kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố thôi, còn quan trọng là khả năng trả nợ.
"Tổng trả nợ của chúng ta, kể cả trả nợ trực tiếp từ ngân sách và vay đảo nợ đã quá 25% so với tổng thu ngân sách hàng năm. Vì vậy, Chính phủ nói không với việc tăng trần nợ công", ông Huệ nhấn mạnh.
Tác giả: Anh Minh
Nguồn tin: Báo VnExpress