Nội dung này được thể hiện trong Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, vừa được đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua chiều nay 30/11.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị ban hành văn bản quy phạm pháp luật để cấm hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây tác hại cho sức khỏe.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đề xuất của đại biểu là phù hợp do tính chất cấp bách, phức tạp, độc hại, gây nghiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người, nhất là đối với thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được điều chỉnh như trong dự thảo Nghị quyết", ông Lê Quang Tùng nói.
Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo |
Nghị quyết đã được thông qua nêu rõ Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội và giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể.
Quốc hội cũng yêu cầu đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.
Nghị quyết nhấn mạnh tập trung triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu đúng khi sử dụng thực phẩm chức năng, bảo đảm an toàn. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng nội dung đã được xác nhận hoặc nội dung chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nhất là hoạt động kinh doanh trên các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội và xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm theo quy định.
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết tại Kỳ họp thứ 8 |
Đối với lĩnh vực ngân hàng, có ý kiến đề nghị không quy định trong dự thảo nghị quyết nội dung về khuyến khích người dân bán vàng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vì khi môi trường đầu tư phát triển, người dân sẽ tự bán vàng để đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh mà không cần bất kỳ sự khuyến khích nào.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hiện nay, nền kinh tế cần nguồn lực đầu tư rất lớn, nhất là đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, yêu cầu như trong dự thảo nghị quyết là cần thiết, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển đất nước.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý trong dự thảo nghị quyết theo hướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước có chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng, chuyển nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, có ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp về thúc đẩy nhanh chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí; thực hiện hiệu quả Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; hỗ trợ điện thoại cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ viễn thông để ứng phó với các tình huống, sự cố khẩn cấp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của các đại biểu Quốc hội là phù hợp với nội dung tại phiên chất vấn, do đó tiếp thu và bổ sung trong nghị quyết.
Tác giả: Ngọc Thành
Nguồn tin: Báo VOV