Liên quan đến quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí quy định tại điều 17.Dự án Luật đưa ra 2 phương án:
Phương án 1 : Quy định các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí.
Phương án 2 : Quy định các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày báo cáo tại Hội trường (Ảnh: Quốc hội). |
Đại tá Hồ Văn Thái, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cho rằng: "Một quốc gia mà 2 Bộ, 2 lực lượng quân đội và công an cùng lúc phát triển, chế tạo sản xuất vũ khí dễ dẫn đến bị phân tán, ảnh hưởng đến tập trung nguồn lực hoặc chồng chéo ở từng chủng loại.Trong điều kiện hiện nay khi mà nền kinh tế, nguồn lực của đất nước ta còn gặp nhiều khó khăn mà phải tạo dựng cơ sở vật chất mới để phát triển chế tạo sản xuất vũ khí là chưa phù hợp".
Nêu rõ quan điểm của mình, Đại tá Đào Thanh Hải, đoàn Hà Nội cho rằng: Trong Nghị quyết 12 của Đảng đã quy định rất rõ và đều giao nhiệm vụ sản xuất , chế tạo, nghiên cứu rồi kinh doanh sửa chữa, xuất nhập khẩu vũ khí cho 2 Bộ để cùng phát triển theo phương thức là lưỡng dụng.
Qua nhiều năm, Bộ Công an đã làm tốt công tác nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh và sửa chữa rồi xuất nhập khẩu vũ khí phục vụ cho lực lượng Công an trong việc đảm bảo ANQG, giữ gìn TTATXH trong tình hình mới.
Đại tá Đào Thanh Hải phát biểu: "Có thể nói rằng cái vấn đề nghiên cứu chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, nhập khẩu vũ khí của các tổ chức doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an là phù hợp, hoàn toàn phù hợp với cái việc chúng ta cụ thể hóa Điều 68 của Hiến pháp năm 2013 và những quy định ở trong Nghị quyết Đại hội 12, trong đó có việc cụ thể hóa cái điều 68 của Hiến pháp...Đảng đã quy định rất rõ là đều giao một cái nhiệm vụ sản xuất, chế tạo, nghiên cứu, kinh doanh, sửa chữa, xuất nhập khẩu vũ khí cho 2 Bộ để cùng phát triển theo phương thức là lưỡng dụng".
Tranh luận vấn đề này, Trung tướng Bùi Mậu Quân, đoàn Hải Dương, cho rằng Việc phân định danh mục sản xuất vũ khí giữa Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng là hoàn toàn phân định được, không lãng phí và chồng chéo. Chính vì vậy phương án 1 là hoàn toàn phù hợp tạo được sự chủ động cho cả 2 lực lượng.
Trung tướng Quân phát biểu: "Bởi vì hiện nay Bộ Công an đã có một số doanh nghiệp, một số đơn vị đã đi vào sản xuất và cũng đã triển khai rất tốt cái việc sửa chữa, mua sắm và chế tạo các loại vũ khí phù hợp với lực lượng Công an, mà cái này ngoài lực lượng Công an ra thì còn rất nhiều lực lượng sử dụng loại vũ khí mà lực lượng Công an trang bị như Công an xã , kiểm lâm, hải quan, thậm chí cả cơ quan điều tra của Viện kiểm sát.Thì tôi nghĩ rằng nếu như mà lực lượng Công an không được sử dụng cái doanh nghiệp của mình để chế tạo, sản xuất, sửa chữa thì hoàn toàn bị động".
Ngoài ra, quy định về nổ súng; tiêu chuẩn, trách nhiệm của người sử dụng, quản lý kho vũ khí, vật liệt nổ, công cụ hỗ trợ; việc thu hồi giấy phép về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ cũng là những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận.
Cũng trong ngày làm việc này, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi).