Trong nước

Quốc hội bắt đầu kỳ họp lịch sử, 10 ngày làm việc trực tuyến

Sáng nay, 20/5, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV khai mạc, bắt đầu chương trình nghị sự gần 1 tháng. Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội sẽ họp “từ xa” trong 10 ngày làm việc đầu tiên.

Cụ thể, theo phương thức làm việc mới này, hơn 200 đại biểu ở Trung ương vẫn tập trung tại Nhà Quốc hội, họp tại phòng họp Diên Hồng. Gần 300 đại biểu khác thì tham gia các phiên họp qua truyền hình trực tuyến tại trụ sở đoàn Đại biểu Quốc hội 63 tỉnh thành cả nước.

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, phương thức họp mới này vẫn đảm bảo nội dung, đảm bảo các hoạt động và đảm bảo chất lượng như họp tập trung tại hội trường. Các biện pháp kỹ thuật để hỗ trợ hoạt động của các đại biểu đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội dự kiến kéo dài đến 18/6 với tổng cộng 19 ngày làm việc.

Ngay tại phiên họp trù bị sáng 20/5, các đại biểu đã thực hiện việc biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp bằng hệ thống điện tử, qua phần mềm biểu quyết được cài đặt trên Ipad. Văn phòng Quốc hội cũng hướng dẫn các đại biểu sử dụng ứng dụng đăng ký phát biểu qua thiết bị di động cá nhân này.

Nhấn mạnh đây là kỳ họp chưa từng có tiền lệ trong suốt 14 khóa Quốc hội đã qua, kể cả những giai đoạn khó khăn như thời chiến tranh, loạn lạc, Tổng thư ký Quốc hội giải thích, một số hoạt động của Quốc hội phải điều chỉnh cho phù hợp, cụ thể như việc giảm thời lượng các phiên thảo luận tại tổ. Tuy nhiên, đó cũng là hướng để tăng hiệu quả mỗi giờ họp của Quốc hội.

Trước nay, nhiều phiên chất vấn, điều trần tại UB Thường vụ Quốc hội đã từng được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh thành. Dù vậy, một kỳ họp Quốc hội có nhiều nội dung, yêu cầu hoạt động, tương tác hơn so với một buổi chất vấn, như biểu quyết, bỏ phiếu, tranh luận… mỗi đại biểu Quốc hội đều phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn để hoàn thành được nhiệm vụ.

Đây cũng là một trong những cách thức làm việc để thích ứng với “trạng thái bình thường mới” sau đại dịch Covid-19 – sự kiện lịch sử làm thay đổi toàn thế giới.

Nội dung làm việc đầu tiên của Quốc hội, ngay sau lễ khai mạc kỳ họp 9, cũng chính là việc xem xét báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, trong đó có nội dung về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp ứng phó và phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả của đại dịch là nhiệm vụ thời sự, quan trọng hơn bao giờ hết với cả nước thời điểm này, khi các ý kiến đưa ra đều thống nhất nhận định rằng, tác động từ “sự cố” Covid-19 nặng nề, sâu sắc hơn bất cứ cuộc khủng hoảng kinh tế nào từng xảy ra trong hơn 30 năm đổi mới cho tới nay.

Một vấn đề chắc chắn Quốc hội phải tính toán, xem xét tại kỳ họp này chính là việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đề ra trước đó, cho năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng GDP, thu ngân sách địa phương “không thể không giảm”, kinh tế xã hội sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn từ cả bên trong và bên ngoài, đời sống của mỗi gia đình, người dân và toàn thể xã hội chắc chắn bị giảm sút… Đó là những nhận định chung của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Dù quyết tâm rất lớn trong việc điều hành kinh tế, đề ra mục tiêu đạt “thắng lợi kép” cả trên mặt trận chống dịch Covid-19 và mặt trận kinh tế xã hội nhưng ít ngày trước khi Quốc hội khai mạc kỳ họp, Chính phủ cũng đã phải nêu đề xuất điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu đã đề ra, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng (giảm từ mức 6,8% xuống còn 4,5%).

Kỳ họp thứ 9 này, theo đó, được coi là “cân não” với cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất vì mục tiêu số một là bảo vệ, đảm bảo cuộc sống của gần 100 triệu người dân.

Tác giả: Phương Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok