Giáo dục

Quảng Ngãi: Thầy giáo ‘liều’ đưa học sinh đi nội trú

Nhiều người bảo thầy Đặng Văn Cương “liều lắm”, dám đưa lũ trẻ nghèo khó xuống ở nội trú rồi phải tự xoay xở việc ăn uống cho các em. Thầy còn đưa cậu học trò tí hon đã tám tuổi chỉ cân nặng 3,5 kg về ở với mình.

16 giờ 30, tan trường, 37 học trò ở thôn Gò Da, xã Sơn Ba, huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) kéo nhau về khu nội trú nằm ở phía Bắc của dãy phòng học. Cạnh đó, một nhà ăn với cơm, canh đã dọn sẵn.

Đưa các em “hạ sơn” - chuyện không dễ dàng

Đưa tay chỉ ra phía bờ sông Re, xa xa là núi cao chất ngất, thầy Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Ba, bảo: “Từ trường về thôn Gò Da, sau khi vượt sông Re phải cuốc bộ chừng năm giờ đường đèo dốc”.

thay giao

Trường Tiểu học Sơn Ba là điểm trường khó. Đám học trò ở các thôn, nhất là thôn Gò Da, là người dân tộc, cuộc sống rất nghèo khó. Cứ đến mùa thì chúng trốn học đi bứt đót, kiếm mật ong rừng. Thầy đến vận động phụ huynh đưa con đến lớp thì thường được trả lời: “Mình cũng có bảo nhưng chúng có nghe đâu. Nghèo khó quá mà!”.

Năm 2009, thầy Cương cùng các đồng nghiệp bàn bạc thống nhất đưa 15 học sinh về ở nội trú tại điểm trường chính. Nghe ý kiến từ thầy Cương, lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Sơn Hà lo ngại: Vận động đưa các em về trường mà chỗ ở không có và không có chế độ gì thì làm sao nuôi nổi. Nhưng thầy Cương và các thầy cô trong trường quyết tâm nên cũng được gật đầu đồng thuận.

Ngay sau đó các thầy cô xếp dọn ba phòng ở, vốn là phòng giáo viên cho các em tá túc. Cũng từ ngày đó, sau giờ dạy trên lớp các thầy trần lưng cùng với thầy Cương đến các thôn xin cây gỗ về đục đẽo làm nhà ăn, rồi cùng nhau đóng bàn ghế. Bàn tay thầy giáo quen cầm phấn, cầm bút giờ lại cầm cưa, cầm đục, cưa đục có khi trượt cả vào tay.

Học trò bản Gò Da khi còn ở với cha mẹ thường chỉ có rau rừng và khoai mì, giờ được ăn cơm, có cá các em ăn mạnh lắm. Đồng lương còm của các thầy cô lại phải trích ra mua gạo, mắm, cá khô cho các em. Sau đó thầy Cương xin Huyện ủy, UBND huyện hỗ trợ và vận động các mạnh thường quân góp bữa ăn cho các em.

thay giao 1
Thầy Đặng Văn Cương và cậu học trò tí hon Đinh Văn KRễ (ảnh trái). Thầy Đặng Văn Cương trong giờ sinh hoạt với học sinh nội trú thôn Gò Da. Ảnh: VÕ QUÝ

Vừa làm cha vừa làm mẹ

Ở nội trú có những câu chuyện cười ra nước mắt. Các em lâu nay ở nhà sàn, nay ở nhà trệt, giường tầng nên không quen. Những tháng đầu tiên, có em đến giờ ngủ không nằm trên giường mà chui xuống gầm giường đánh giấc. Thầy Cương đi kiểm tra thấy vắng lại tá hỏa đi kiếm. Ở phòng tập thể có một cái tivi. Thấy cảnh xe chạy trong phim, các em lại tưởng xe đâm vào mình nên nghiêng người… né. Có em sức khỏe yếu như em Đinh Thi Siêng, mỗi khi trở trời thường nóng sốt lên cơn co giật, thầy Cương cùng các thầy phải thức canh chừng để cấp cứu.

Dần dần những đứa trẻ bắt đầu quen nếp sống mới. Các em biết sử dụng đũa tre, biết giữ vệ sinh, biết chào hỏi khi có khách lạ đến trường. Từ 15 học sinh ban đầu, sau bảy năm, hiện ở trường có 36 học sinh thôn Gò Da ở nội trú.

Già làng Gò Da, ông Đinh Văn Kết, nhiều lần sang thăm trường, thấy con cháu của thôn học nội trú tiến bộ thì mừng lắm. Không nói tiếng Kinh được nhiều nên ông cứ nắm lấy tay thầy Cương cùng các thầy cô lắc lắc, mắt rơm rớm.

Thầy Cương nói đơn giản: “Ở vùng xa này cuộc sống của bà con nghèo khó lắm. Nếu không tạo điều kiện cho các em học hành thì thế hệ mai sau cũng nghèo khó thế thôi. Chính vì suy nghĩ này mà tôi cùng các đồng nghiệp cố gắng…”.

Bây giờ đường về thôn Cây Da đã có chiếc cầu kiên cố bắc qua sông và từ năm 2013 mỗi học sinh nội trú đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chế độ của Nhà nước nên các thầy cô ở trường cũng đỡ gánh nặng. Tuy vậy, trường vẫn duy trì vườn rau và chuồng trại nuôi gà. Thầy Cương khoe: “Tết Đinh Dậu vừa rồi trường bán con heo rừng lai được 12 triệu đồng. Số tiền này là của để dành phòng khi các em bị ốm đau”.

Cưu mang học trò tám tuổi nặng 3,5 kg

Tháng 3-2016, anh Đinh Văn An ở thôn Gò Da đề xuất với nhà trường cho em Đinh Văn KRễ, em bé tí hon đã tám tuổi nhưng chỉ cân nặng được 3,5 kg xuống ở nội trú để được hòa nhập với bạn bè. KRễ “hạ sơn”, được đặc cách ở với thầy Cương. “Ở trên bản cháu có mặc quần áo bao giờ đâu. Xuống dưới này tụi mình phải xuống dưới chợ huyện mua quần áo của trẻ sơ sinh về sửa lại cho cháu mặc. Ban đầu chưa quen với môi trường mới, KRễ rất thụ động, khi chuyển mùa lại bị sốt”. Những khi KRễ bệnh, thầy Cương lại thay mẹ của KRễ chăm sóc cho em.

“KRễ rất thích món bánh xèo và đá banh. Bánh xèo thì dễ rồi, mình chạy xe đi mua được. Nhưng đá banh thì bàn chân tí hon chạy nhanh là ngã chỏng quèo. Nhìn thấy bạn bè cùng tuổi mang giày đá banh, KRễ thích lắm, cứ đứng xem rồi mon men lại gần sờ lên đôi giày của bạn. Thấy thương quá, tôi đã đi hỏi các tiệm nhưng chẳng có nơi nào bán giày kiểu đá banh cho trẻ sơ sinh nên đành thua” - thầy Cương tâm sự.

Năm ngoái có dịp ra Hà Nội, thầy Cương lại mang KRễ theo để khám bệnh và được các bác sĩ xác định là mắc hội chứng Seckel. Non một năm ở nội trú, bây giờ hỏi chuyện, KRễ đã biết “ạ”, biết bắt tay và biết vẫy tay tạm biệt.

Với những nỗ lực của mình, năm 2013 thầy Đặng Văn Cương đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và năm 2016 là một trong hai thầy giáo của tỉnh Quảng Ngãi được Bộ GD&ĐT vinh danh. Riêng Trường Tiểu học Sơn Ba 10 năm qua luôn đạt danh hiệu trường tiên tiến.

Tác giả bài viết: VÕ QUÝ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok