Ngày 15/7, theo ghi nhận của chúng tôi tại một đoạn kênh mương chảy qua thôn An Dưỡng, An Thái (thuộc xã Bình An, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) có nhiều xác heo chết nằm dưới nước đang phân hủy nặng. Bên cạnh đó, nhiều xác heo nhỏ đang trôi nổi khiến ruồi nhặng bu đầy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bà Dương Thị Liễu – người đang lấy nước vào ruộng của mình cho hay, thời gian gần đây xác heo chết từ đầu nguồn con kênh này trôi xuống mắc lại dọc 2 bờ gây mùi khó chịu. Người dân đã báo cáo lên thôn nhưng vẫn chưa thấy ai đến thu dọn xác heo chết này để đảm bảo môi trường.
Bà Liễu cũng cho hay, người dân địa phương rất lo sợ lây lan dịch bệnh đến đàn gia súc chăn nuôi của họ.
Quan sát thực tế, chúng tôi ghi nhận hàng chục xác heo chết đang trong giai đoạn phân hủy trôi lềnh bềnh, bốc mùi cả một vùng. Khắp dòng kênh dài khoảng 2 km gần với Quốc lộ 1 chảy qua địa phận thôn An Dưỡng về thôn An Thái (xã Bình An, huyện Thăng Bình) ngập tràn xác heo chết.
Tuy xác heo chết ngập tràn kênh gây ô nhiễm và nguy cơ lây lan bệnh dịch tả lợn Châu Phi nhưng ông Trần Văn Phường - Phó Chủ tịch xã Bình An cho hay ông chưa nhận được thông tin phản ánh của người dân hay thôn báo lên về việc xác heo chết được mang đi vứt trên kênh mương này.
Theo ông Phường, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn xã Bình An vào khoảng trung tuần tháng 6 vừa qua, đến nay đã tiêu hủy hơn 10 tấn lợn.
Chúng tôi cũng đã liên lạc với lãnh đạo huyện Thăng Bình và vị này xác nhận đã nắm được thông tin lợn chết được các hộ dân mang vứt xuống kênh thủy lợi tại huyện và đã chỉ đạo cơ quan chức năng đi kiểm tra, kết hợp với địa phương thu gom, xử lý theo quy định.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh từ tháng 5/2019 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở hơn 3.000 hộ dân tại 254 thôn, 89 xã, thị trấn thuộc 13 huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, Tam Kỳ, Nam Trà My, Phú Ninh, Núi Thành, Quế Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nam Giang và Đại Lộc.
Tổng số lợn chết và tiêu hủy là 12.000 con, khối lượng gần 600 tấn. Trong đó, dịch bệnh chủ yếu xảy ra tại các hộ, cơ sở chăn nuôi lợn với quy mô nhỏ lẻ, rải rác. Do đó, việc tiêu hủy lợn được thực hiện bằng phương pháp chôn lấp trong vườn cây của các hộ, vị trí xa khu dân cư, nguồn nước. Hiện nay bệnh vẫn đang còn lây lan.
Tác giả: C.Bính
Nguồn tin: Báo Dân trí