Sở Lao động – Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo về tình hình tiền lương, thu nhập của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh năm 2019. Báo cáo này dựa vào số liệu mà 53 DN (với 15.218 lao động) cung cấp cho sở, tính đến ngày 20/12.
Theo đó, tiền lương bình quân của người lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2019 đạt 8,84 triệu đồng/người/tháng (tăng 28% so với năm 2018).
Trong đó, tiền lương bình quân cao nhất thuộc về các công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với mức hơn 11,8 triệu đồng/người /tháng.
Quảng Nam ghi nhận trường hợp hưởng lương tới hơn 300 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa |
Người lao động có mức lương cao nhất thuộc loại hình DN có vốn đầu tư nước ngoài, với mức lương 301 triệu đồng/người/tháng. Loại hình DN tư nhân có mức lương cao nhất là 80.000.000 đồng/người/tháng.
Công ty cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước có mức lương bình quân cao thứ hai với hơn 8,5 triệu đồng/người/tháng; loại hình DN có vốn đầu tư nước ngoài có mức lương bình quân 8,4 triệu đồng/người/tháng; loại hình DN ngoài quốc doanh có mức lương bình quân đạt hơn 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước có mức lương cao nhất đạt 56 triệu đồng/người/tháng; mức tiền lương cao nhất trong loại hình công ty TNHH MTV do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ là 36,5 triệu đồng/người/tháng.
Cũng theo báo cáo của LĐTB&XH tỉnh Quảng Nam, có 40/53 DN trên địa bàn thưởng Tết Dương lịch 2020 cho gần 11.000 lao động, mức thưởng bình quân đạt 2,1 triệu đồng/người, giảm 22,7% so với năm 2019.
Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thưởng cao nhất thuộc về DN FDI với mức 500 triệu đồng đồng/người; tiếp đến là các công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước với mức thưởng 112 triệu đồng/người; DN dân doanh có mức thưởng đạt 90 triệu đồng/người và công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mức thưởng đạt 12 triệu đồng/người.
Quảng Nam ghi nhận trường hợp hưởng lương tới hơn 300 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa
Tác giả: Vũ Đậu (T/h)
Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật