Việc cưỡng chế được thực hiện vào ngày 10/7, tại gia đình bà Phan Thị Lan (trú thôn Đông An, phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ) theo quyết định do ông Văn Anh Tuấn, Chủ tịch TP Tam Kỳ ký.
Trả lời PV chiều nay, ông Văn Anh Tuấn khẳng định việc cưỡng chế là đúng quy định.
Lực lượng tham gia cưỡng chế gồm công an, y tế, quy tắc đô thị, cán bộ TP Tam Kỳ, UBND phường Hòa Thuận… cùng các phương tiện cơ giới.
Sau khi dỡ bỏ công trình được cho là nhà xây trái phép, lực lượng chức năng tạm giữ đàn lợn gồm 10 con.
Công trình bị đập bỏ, lực lượng chức năng tạm giữ 10 con heo |
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận cho biết, chính quyền đã phát hiện ra việc xây dựng trái phép của gia đình bà Lan và đã ra quyết định xử phạt nhưng bà Lan không chấp hành.
UBND phường sau đó tham mưu cấp trên ra quyết định cưỡng chế.
Theo ông Sơn, bà Lan cố tình xây căn nhà trái phép nên phường ra quyết định xử phạt. “Bà ấy không chấp hành và xây thêm các vách ngăn để nuôi heo khi có quyết định cưỡng chế”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết thêm, ngày 13/7, phường yêu cầu bà Lan lên nhận heo nhưng gia chủ không đến. Hiện địa phương phải chia số heo ra để gửi nhờ nuôi, số còn lại đang được xã đội nuôi.
“Thời gian tới nếu gia đình không nhận chúng tôi sẽ làm thủ tục bán đấu giá theo quy định”, lời ông Sơn.
Phá chuồng rồi, nhận heo nuôi ở đâu?
Bà Phan Thị Lan đã phản ứng và cho rằng đó không phải là căn nhà xây dựng trái phép mà chỉ là chuồng nuôi heo dài 7m, rộng 3m.
|
Quyết định cưỡng chế của UBND TP Tam Kỳ
Đến cuối năm 2010, do làm ăn thua lỗ, bà đã ngừng việc kinh doanh và bỏ trống khu chuồng cũ. Năm 2015, khu chuồng bị giông lốc xô đổ bờ tường. Gia đình thuê thợ xây thêm vách ngăn làm chuồng rồi mua 11 con heo hết 4 triệu đồng về nuôi.
“Chính quyền đến lập biên bản, yêu cầu xử phạt 6 triệu đồng vì cho rằng tôi xây nhà trái phép. Gia đình không đồng ý vì đó chỉ là công trình chăn nuôi phụ”, bà Lan cho biết.
Mới đây, gia đình bà Lan nhận được quyết định cưỡng chế của UBND TP Tam Kỳ.
“Đây chỉ là công trình phụ gia đình tôi dựng lên để làm kinh tế chứ đâu phải nhà ở. Tôi có căn nhà 2 tầng rất rộng ngay gần kho, 3 mẹ con ở không hết xây nhà làm gì nữa. Chuồng heo chỉ để chăn nuôi cải thiện kinh tế, không có mục đích gì khác”, bà Lan lý giải.
Người thân cho hay do bất bình vì bị cưỡng chế, bà Lan đã ngất xỉu phải đến bệnh viện cấp cứu.
“Khi xuất viện tôi nhận được thông báo lên phường nhận heo. Nhưng họ phá chuồng rồi chúng tôi biết nuôi heo ở đâu bây giờ”, bà Lan nói.
Tác giả: Tuấn Anh
Nguồn tin: Báo VietNamNet