Thời gian gần đây, lực lượng CSGT - Công an TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục sử dụng lưới, bùi nhùi để bắt xe vi phạm. Cách làm này gây ra nhiều tranh luận.
Xử lý trên 200 trường hợp
Biện pháp sử dụng lưới để bắt xe vi phạm đã được Công an TP Thanh Hóa triển khai từ năm 2011. Thời điểm đó đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng biện pháp "quăng lưới" góp phần trấn áp, ngăn chặn nạn đua xe nhưng lại gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện. Cũng có ý kiến băn khoăn dựa vào cơ sở nào CSGT TP Thanh Hóa sử dụng lại lưới để bắt xe trong khi pháp luật hiện hành chưa quy định đây là công cụ hỗ trợ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc này, thiếu tá Nguyễn Hồng Hải, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Thanh Hóa, nói trong thời gian tới, đơn vị đề nghị các cơ quan cấp cao sớm đưa bùi nhùi lưới là công cụ hỗ trợ vào luật. Trong khi chờ chấp nhận, tỉnh vẫn sử dụng cả súng bùi nhùi lẫn dùng tay nắm bùi nhùi để ngăn chặn đua xe, lạng lách đối với những người cố tình vi phạm giao thông.
Một xe vi phạm bị dính lưới của CSGT Công an TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa Ảnh: THANH TUẤN |
Hiện tại, Công an TP Thanh Hóa đã thành lập nhiều tổ công tác, sử dụng lưới này để ngăn chặn vi phạm. "Việc sử dụng bùi nhùi chống đua xe trái phép rất hiệu quả, một số tỉnh bạn cũng đã đến học tập kinh nghiệm của chúng tôi. Đơn vị mong muốn các cấp thẩm quyền xem xét, sớm đưa bùi nhùi lưới vào luật và xem đó là công cụ hỗ trợ nhằm ngăn chặn đua xe, lạng lách, đánh võng để giảm thiểu tai nạn, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông" - thiếu tá Hải khẳng định.
Cũng theo ông Hải, khoảng 10 ngày qua, lực lượng CSGT TP Thanh Hóa đã dùng lưới xử lý trên 200 trường hợp, chủ yếu về lỗi không đội mũ bảo hiểm. Đáng chú ý, qua kiểm tra hành chính, lực lượng chức năng phát hiện một số đối tượng có tàng trữ ma túy, súng. Trước lo ngại của nhiều người về việc lạm dụng sử dụng loại công cụ chưa được công nhận này, ông Hải nói chỉ sử dụng khi những người tham gia giao thông cố tình chống đối, bỏ chạy chứ không sử dụng đối với người dân tham gia giao thông bình thường.
Phải bảo đảm an toàn
Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra, xử lý tai nạn giao thông thuộc Cục CSGT (Bộ Công an), cho rằng sáng kiến của Công an TP Thanh Hóa mang lại những hiệu quả nhất định đối với việc ngăn chặn nạn đua xe. Trước lo ngại của người dân về việc dùng lưới bắn, quăng vào bánh xe sẽ gây mất an toàn, Công an TP Thanh Hóa đã mời một số cơ quan chức năng kiểm tra thực tế để đánh giá. Kết quả cho thấy khi quăng lưới dính vào bánh xe sẽ khiến xe giảm tốc độ và dừng lại từ từ chứ không gây nguy hiểm" - ông Sơn nói.
Dù vậy, cũng theo ông Sơn, Công an TP Thanh Hóa cần tiếp tục có nghiên cứu về mức độ an toàn, kể cả các yếu tố pháp lý bảo đảm cho việc sử dụng, coi đây là công cụ hỗ trợ trong thực thi công vụ. "Mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện và ngăn chặn kịp thời đúng theo quy định pháp luật nhưng dụng cụ sử dụng trong quá trình thực thi công vụ phải bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, nếu không an toàn thì lập tức phải dừng" - đại tá Trần Sơn nhấn mạnh.
Trong những năm qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó có sử dụng quăng lưới. Đến năm 2013, sáng kiến quăng lưới được Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng) hoàn thiện thành súng bắn lưới. Súng được trang bị chỉ có 2 viên đạn (2 cuội bùi nhùi), với giá khoảng 20.000 đồng/viên đạn.
"Chúng tôi được cấp 20 khẩu súng để sử dụng nhưng việc sử dụng súng không linh động giống như phương pháp thủ công vì cự ly của súng bắn lưới cố định trong khoảng 20-30 m; chưa kể quá trình trấn áp tội phạm nếu khoảng cách gần quá sẽ không thể sử dụng được. Do đó, chúng tôi vẫn dùng cả 2 phương pháp này, tùy vào các tình huống và tình hình thực tế" - thiếu tá Hải thông tin.
Có thể chấp nhận được Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng về cơ bản, việc dùng bùi nhùi lưới, các thiết bị nghiệp vụ có tính năng mạnh để dừng, xử lý, trấn áp người cố tình vi phạm là hoàn toàn có thể chấp nhận. "Việc áp dụng các thiết bị như vậy có thể làm giảm đáng kể các cuộc rượt đuổi giữa CSGT và người cố tình vi phạm, giảm thiểu được những rủi ro không đáng có cho cộng đồng và bản thân những người thực thi công vụ" - ông Minh nhấn mạnh. Theo ông Minh, nhìn sang các quốc gia phát triển, với những trường hợp cố tình vi phạm, lực lượng thực thi công vụ đều áp dụng các công cụ và biện pháp mạnh để xử lý, trấn áp. Tại Mỹ, Úc, nếu người được yêu cầu từ chối thổi vào thiết bị kiểm tra nồng độ cồn, họ có thể bị bắt giữ. Nếu cố tình bỏ chạy qua các chốt kiểm soát thì một gờ giảm tốc chứa thiết bị chuyên dụng bên trong có thể kích hoạt các giàn đinh làm thủng lốp. CSGT cũng có thể triển khai các loại lưới cuộn chặt vào trục xe để dừng xe cố tình vi phạm... "Tất nhiên, những lo ngại về sự an toàn của người vi phạm là có căn cứ vì việc bảo đảm an toàn cho người dân và lực lượng chức năng luôn là quan tâm hàng đầu. Bởi vậy, cần đánh giá, tập huấn cho lực lượng thực thi công vụ để bảo đảm nếu áp dụng thì công cụ trên được sử dụng một cách hợp lý, không gây nguy hiểm tới người vi phạm" - ông Minh nói. Từ những phân tích nêu trên, ông Trần Hữu Minh lưu ý để hình thành một công cụ mang tính chính thức, CSGT TP Thanh Hóa nên báo cáo Công an tỉnh, báo cáo Bộ Công an kết quả để xem xét. "Nếu xác định giải pháp trên có thể sử dụng thì tiến hành xây dựng và ban hành quy định áp dụng phù hợp trước khi chính thức áp dụng rộng rãi" - ông bày tỏ. V.Duẩn |
Tác giả: Minh Chiến - Thanh Tuấn
Nguồn tin: Báo Người lao động