Xã hội

Quảng Bình: Thiếu điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy vẫn đưa chợ vào sử dụng

Công trình xây dựng đình chợ Công Đoàn, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) dù chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn đưa vào khai thác, sử dụng. Vậy khi sự cố xảy ra, ai là người phải chịu trách nhiệm?

Bên trong đình chợ, các gian hàng đã được bày bán và có chủ.

Theo phản ánh của tiểu thương, công trình xây dựng đình chợ Công Đoàn (tại tiểu khu 2 phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới) các hạng mục xây lắp chính của công trình cơ bản hoàn thành vào tháng 10/2019. Riêng hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại đây có dấu hiệu chưa hoàn thiện, nhưng vẫn được đưa vào khai thác, sử dụng một thời gian khá dài.

Tại biên bản vi phạm hành chính số 0029252/BB-VPHC lập ngày 14/5/2020 của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Quảng Bình, công trình đình chợ Công Đoàn còn một số tồn tại về phòng cháy, chữa cháy. Cụ thể như: Tổ chức thi công, xây dựng công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy; Đưa công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Đình chợ Công Đoàn đã được hoàn thiện phần xây lắp với diện tích gian hàng trên 630m2.

Với những tồn tại trên, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Ban Quản lý chợ thành phố Đồng Hới về các lỗi trên với số tiền là 120 triệu đồng, buộc trong thời hạn 1 tháng phải xây dựng, lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo đúng hồ sơ đã thẩm duyệt và tổ chức nghiệm thu theo quy định.

Theo mục sở thị của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, hiện nay việc xây dựng, lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo đúng hồ sơ đã thẩm duyệt nhưng vẫn chưa được nghiệm thu.

Làm việc với ông Lê Chiến Trung - Trưởng Ban Quản lý chợ thành phố Đồng Hới chủ đầu tư dự án, ông này cho biết: Công trình trên thuộc Đề án di chuyển đình chợ Bắc Lý lắp đặt xây dựng tại chợ Công Đoàn, được UBND thành phố Đồng Hới phê duyệt vào năm 2015. Đến tháng 5/2017, đơn vị thông báo mời thầu rộng rãi và Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hoàng Gia được lựa chọn trúng thầu. Quy mô đầu tư gồm: Công trình 1 tầng có kích thước 42x15m, tổng chiều cao công trình từ móng đến mái 6,3m. Mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng.

Khi xây dựng, đơn vị tư vấn giám sát đã tham vấn cho chủ đầu tư rằng, do đình chợ Bắc Lý cũ đã được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy từ phía ngành chức năng, khi di chuyển sang vị trí mới ở chợ Công Đoàn không cần phải thẩm duyệt vấn đề này nữa. Do đó, Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hoàng Gia đã thi công xuyên suốt thời gian ấy và hoàn thành phần xây lắp đình chợ vào tháng 10/2019.

Về việc lập hồ sơ thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, Ban Quản lý chợ thành phố Đồng Hới đã hoàn thành, được Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Quảng Bình cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy trong tháng 6/2020.

Khi được hỏi phía Ban Quản lý chợ thành phố Đồng Hới vì sao lại vội vàng khai thác công trình như vậy? Biện pháp bảo vệ tính mạng và tài sản của tiểu thương ra sao?

Ông Lê Chiến Trung cho hay: Do chợ Công Đoàn khuôn viên chật hẹp, hạ tầng xuống cấp mà nhu cầu của tiểu thương lại khẩn thiết, nên Ban Quản lý chợ biết là chưa đủ thủ tục vận hành nhưng vẫn phải cho tiểu thương, người dân sử dụng công trình. Hiện, trong đình chợ này được bố trí tại chỗ 30 bình bột chữa cháy, để phục vụ cho 60 hộ tiểu thương khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, có 2 bể chứa nước với tổng dung tích 100m3 được xây trước đây, đảm bảo lượng nước khi cần tới. Trên hết, công tác bảo vệ trật tự tại chợ và khuyến cáo nhân dân chủ động phòng cháy được quan tâm.

Hiện chỉ có 30 bình bột chữa cháy phục vụ công tác cứu hỏa tại chỗ.

Theo Chủ đầu tư, Quyết định của UBND tỉnh yêu cầu trong thời hạn 1 tháng phải xây dựng, lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo đúng hồ sơ đã thẩm duyệt và tổ chức nghiệm thu theo quy định là rất khó và chưa thể tiến hành ngay được, vì thiếu hụt kinh phí.

Theo ông Lê Chiến Trung, tại thời điểm tháng 10/2019, vì kinh phí hạn hẹp, nên chủ đầu tư đã không thể tiến hành bổ sung hệ thống phòng cháy, chữa cháy bên trong đình chợ. Dự toán kinh phí cho hạng mục lắp đặt này là khoảng 450 triệu đồng, hiện đơn vị đang tính đến vay mượn vốn tín dụng trong tháng 7/2020.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đình Thắng - Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới nêu quan điểm: Việc Ban Quản lý chợ thành phố Đồng Hới bị xử phạt hành chính vừa qua cho thấy công tác quản lý phòng cháy, chữa cháy ở địa phương đang được đẩy mạnh, với vai trò chủ đầu tư, đặc biệt là xây dựng chợ, siêu thị, nhà hàng thì càng phải chú ý việc chữa cháy, thoát hiểm... Ban Quản lý chợ thành phố Đồng Hới cần có kế hoạch tài chính để sớm hoàn thành các hạng mục còn thiếu.

Theo nhìn nhận của nhiều người dân ở phường Bắc Lý (thành phố Đồng Hới), việc xử phạt vi phạm hành chính với chủ đầu tư về các lỗi trên với số tiền là 120 triệu đồng thể hiện sự cứng rắn của chính quyền tỉnh, sự nghiêm minh của pháp luật. Dù việc làm có phần hơi chậm trễ, bởi lẽ nếu ngành chức năng phát hiện sớm hơn, có sự ngăn chặn và kiến nghị khắc phục, bổ sung trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy kịp thời, trước khi công trình đưa vào hoạt động.

Theo nhận định của các chuyên gia về phòng cháy, chữa cháy, công tác thẩm định thiết kế cơ sở ban đầu của dự án bộc lộ một số thiếu sót, hạn chế... Theo đó, những chợ kiên cố cấp huyện trở lên; chợ khác, trung tâm thương mại, siêu thị có tổng diện tích gian hàng từ 300m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000m3 trở lên thuộc danh mục dự án, công trình do cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ.

Tác giả: Nhất Linh

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok