Dân khốn đốn vì thiếu nước sạch
Với người dân thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), từ hàng chục năm nay, họ đã phải sống chung với tình cảnh nguồn nước bị ô nhiễm.
Nguồn nước duy nhất của 200 hộ dân tại thôn này là những giếng đào bị nhiễm phèn nặng và chưa có hệ thống nước sạch. Nước sau khi được bơm từ giếng lên thoạt nhìn rất trong. Thế nhưng, chỉ để 1 - 2 giờ là bắt đầu chuyển sang màu vàng và nổi đầy váng, bốc mùi hôi tanh. Đặc biệt, các vật dụng có tiếp xúc với nước đều bị hoen ố, ngả màu như nghệ.
Nước sinh hoạt của người dân bị nhiễm phèn. |
Thời gian gần đây, để hạn chế sử dụng nguồn nước giếng bị ô nhiễm, nhiều hộ dân đã phải mua từng bình nước lọc 20 lít phục vụ cho nhu cầu ăn uống. Về mùa hè khô hạn, nhiều hộ phải dùng luôn nước giếng để ăn uống vì giá nước tăng cao.
“Không có nước sạch nên chúng tôi phải sử dụng nước giếng nhiễm phèn. Hiện nay tình trạng nhiễm phèn ngày một nặng hơn nên dù đã qua bể lọc vẫn bị ố vàng và tanh. Nhiều hộ giờ phải chấp nhận đắt đỏ mua nước bình về uống và nấu ăn vì sợ bệnh tật”, bà Nguyễn Thị Liên (SN 1962) một người dân thôn Hữu Tân cho biết.
Từ hàng chục năm nay, người dân thôn Hữu Tân đã phải sống chung với tình cảnh nguồn nước bị ô nhiễm. |
Thiếu nước sạch sinh hoạt, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm nặng là câu chuyện không của riêng thôn Hữu Tân mà còn của rất nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Quảng Ninh như các xã Hiền Ninh, Xuân Ninh, Tân Ninh, An Ninh và Vạn Ninh.
Dự án nằm trên giấy
Năm 2012, dự án cấp nước sạch tập trung được triển khai, theo kế hoạch sẽ cấp nước cho 5 xã của huyện Quảng Ninh (hơn 10.000 hộ dân) với công suất hơn 4.000 m3/ngày đêm.
Sau khi triển khai giai đoạn 1 dẫn nguồn nước từ hồ chứa nước Rào Đá về trung tâm các xã; giai đoạn 2 sẽ tiến hành lắp đặt và dẫn nước về tận các thôn, xóm. Thế nhưng, nhiều năm nay, giai đoạn 2 của dự án vẫn chỉ nằm trên giấy.
|
Chất lượng cuộc sống của người dân không đảm bảo khi không có nước sạch để dùng. |
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Thụ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho biết, công trình dẫn nước sạch từ hồ thủy lợi Rào Đá về 5 xã của huyện Quảng Ninh, trong đó có Tân Ninh chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1 là đưa nước về trung tâm xã. Giai đoạn 2 của dự án đã bị “treo” gần 10 năm nay không được triển khai nên chưa thể phân phối nước về cho các hộ dân.
“Hiện nay địa phương đang sử dụng hệ thống đường ống cũ để dẫn nước về các thôn, tuy nhiên hệ thống này đã xuống cấp, không được bảo trì nên chất lượng nước không đảm bảo và thiếu ổn định. Còn riêng thôn Hữu Tân, do không có hệ thống ống nước nên thôn này vẫn phải dùng nước giếng nhiễm phèn”, ông Thụ nói.
Theo Ban Quản lý dự án huyện Quảng Ninh, dự án công trình xây dựng hệ thống phân phối và xử lý nước cho 5 xã của huyện này và khu công nghiệp Áng Sơn được phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 35 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay công trình vẫn chưa thi công theo đúng quy hoạch do nhà tài trợ chưa cung cấp vật tư, thiết bị cho công trình.
Nước từ hồ thủy lợi Rào Đá chỉ mới về đến trung tâm xã, chưa thể đến được các hộ dân. |
Hiện nay, ban quản lý dự án đang đấu nối hệ thống cấp nước cũ của các xã để cung cấp nước kho hơn 6 ngàn hộ dân. Tuy nhiên hệ thống cũ này thường xuyên hư hỏng, thiếu hiệu quả. Huyện Quảng Ninh cũng đang đề nghị tỉnh Quảng Bình xem xét hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch tập trung tại các khu vực nông thôn, đặc biệt là các công trình đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Theo dự báo, năm 2020 tiếp tục là một trong những năm có mức nóng kỷ lục. Nắng nóng kéo dài sẽ khiến cuộc sống của người dân, đặc biệt là những địa bàn thiếu nước sạch sinh hoạt càng trở nên khó khăn hơn. Hơn lúc nào hết, các dự án công trình cấp nước sạch cần được quan tâm đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, để không còn cảnh hàng ngàn hộ dân vẫn “khát” nước sạch và chờ đợi nước sạch trong mỏi mòn.
Tác giả: Tiến Thành
Nguồn tin: Báo Dân trí