Giáo dục

Quảng Bình: Con em ngư dân trước nguy cơ thất học, hệ lụy từ ô nhiễm môi trường biển!

Ô nhiễm môi trường biển đã khiến cuộc sống ngư dân ở Quảng Bình rơi vào cảnh bấp bênh, kéo theo đó là hàng loạt em nhỏ đang đứng trước nguy cơ thất học. Một thảm cảnh buồn đối với tỉnh nghèo Quảng Bình trước ngày tựu trường.

Video: Con em ngư dân và nỗi lo không thể đến trường


Từ khi xảy ra sự cố môi trường biển do Công ty Fosmosa Hà Tĩnh gây ra, cuộc sống của bà con ngư dân các xã biển tại Quảng Bình trở nên khốn khó vì bị mất nguồn thu nhập chính từ biển, hệ lụy của nó đang kéo theo nỗi lo nhiều gia đình không biết lấy tiền đâu ra cho con đến trường.

Xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có gần 2.000 hộ dân với hơn 8.000 người, trong đó có đến 70% sinh sống bằng nghề biển, hơn 5 tháng qua, sự cố ô nhiễm môi trường biển đã khiến cuộc sống của ngư dân ở đây trở nên vô cùng khó khăn, và đối với những gia đình có con đang đi học lại càng vất vả hơn khi năm học mới đang cận kề.

Với những gia đình có con đang đi học lại càng vất vả hơn khi năm học mới đang cận kề.


Chị Phạm Thị Hà, thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương chia sẻ: “Gia đình đã khó khăn, chồng thì đi biển làm thuê theo tàu cá người ta, như mọi năm còn có đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống và cố gắng cho con học hành, chứ giờ thu nhập không có biết lấy gì mà đóng nộp cho các cháu, cũng mong các con được học cho hết 12 nhưng cứ như thế này thì chắc vợ chồng cũng không gắng được, cháu đầu cũng đã phải nghỉ học đi làm thuê rồi”.

Không chỉ gia đình chị Hà, mà rất nhiều gia đình khác ở các xã cảnh Dương cũng rơi vào cảnh tương tự. Vì không có thu nhập để lo cho con học hành, chị Nguyễn Thị Nguyệt đành chấp nhận để con gái lớn năm nay vào lớp 10 nghỉ học. “Chúng tôi ở đây sống là nhờ cả vào biển, khi biển chưa bị ô nhiễm thì còn kiếm được hơn chục triệu một tháng, đủ để trang trải cuộc sống cũng như lo cho các con học hành, nhưng từ khi cá chết đến giờ thì thu nhập cả gia đình còn chưa được nổi 5 triệu đồng, để nuôi được 3 đứa con học hành là rất vất vả, nên đành cho cháu đầu nghỉ học chứ không biết làm răng”, chị Nguyệt buồn bã.

Gia đình khó khăn, em Phạm Thị Ái Nhi đành phải gác lại giấc mơ đến trường


Rất buồn vì phải nghỉ học giữa chừng, nhưng cũng vì thương bố mẹ và muốn cho 2 em được đến trường, em Phạm Thị Ái Nhi (SN 2001), con của chị Nguyệt dù không muốn những đành phải gác lại giấc mơ học hành. “Em rất muốn được đi học, nhìn các bạn được đi học em buồn lắm, nhưng giờ cũng không biết làm răng, bố mẹ cũng nói là học đến lớp 9 rồi thì nhường cho hai em được đi học vì em còn nhỏ, giờ em đang ở nhà phụ giúp việc nhà cho mẹ rồi ít năm nữa đi làm thuê”, Nhi buồn rầu chia sẻ.

Thời gian qua, biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, cá đánh bắt về bán không có ai mua, cuộc sống của ngư dân ven biển càng vất vả bởi việc lo toan cuộc sống hàng ngày đã khó, việc chuẩn bị mua sắm sách vở, đóng nộp cho con bước vào năm học càng khó hơn, nhất là đối với những gia đình có từ 3 đến 4 con đi học.

Có đến 3 người con đi học nhưng vì cuộc sống khó khăn, đến thời điểm hiện tại khi các con sắp bước vào năm học mới chị Phạm Thị Loan vẫn chưa biết lấy đâu ra tiền để mua sách vở, quần áo cho các con: “Những năm trước nhờ biển vợ chồng tôi còn làm ăn được, còn có tiền để cho con học hành, nhưng 5 tháng nay khó khăn quá, trang trải cuộc sống còn không đủ, giờ 3 đứa đi học mà chưa có tiền để mua sách vở cho các cháu, nếu cứ khó khăn như thế này thì chắc cũng chỉ gắng được cho các con học hết cấp 2 thôi”, chị Loan tâm sự.

Cuộc sống của ngư dân Quảng Bình còn rất nhiều khó khăn vì biển bị ô nhiễm


Môi trường biển ô nhiễm khiến cuộc sống của hàng ngàn ngư dân bị ảnh hưởng và theo đó hàng ngàn học sinh là con em ngư dân cũng cùng chung cảnh khó khăn, và có nguy cơ nhiều em phải bỏ học nếu như không có sự hỗ trợ về giáo dục kịp thời trước thềm năm học mới.

Ông Phạm Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết, xã cũng đang nỗ lực tuyên truyền, vận động các gia đình để cho các cháu đến trường bên cạnh đó cũng sẽ có những chính sách để hỗ trợ cho các gia đình có con đang đi học như giảm một số khoản đóng nộp chưa cần thiết, đồng thời có những đề nghị để ngành giáo dục quan tâm, hỗ trợ cho các cháu.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Thanh Xuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Trạch cho biết, hiện tại mới chỉ có hỗ trợ 108 bộ sách cho con em ngư dân trên địa bàn huyện, và phòng cũng đang nắm bắt số lượng học sinh từ các trường để có những hỗ trợ kịp thời cho các học sinh là con em ngư dân.

Được biết, tỉnh Quảng Bình có 18 xã chuyên làm nghề biển với hơn 14.000 hộ và 24.000 lao động nghề biển. Hiện tượng cá chết hàng loạt tại các vùng biển Bắc Trung bộ thời gian qua đã khiến đời sống ngư dân vùng bãi ngang ven biển gặp nhiều khó khăn. Kéo theo đó là hệ luỵ nhiều học sinh đứng trước nguy cơ bỏ học giữa chừng!

Tác giả bài viết: Tiến Thành – Đặng Tài

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok