Thế giới

Quan tham TQ gây sốc với 'tài' phù phép hồ sơ

Mới đây, Đài Truyền hình Trung Quốc đã công chiếu bộ phim về Lô Ân Quang, cựu Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư pháp, người đã làm giả toàn bộ lý lịch, rải tiền mua chức.

Trước đó, vào ngày 16/12/2016, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung Quốc (UBKTKLTW) thông báo Lô Ân Quang bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Đây là quan chức lãnh đạo đầu tiên của Bộ Tư pháp bị ngã ngựa từ sau Đại hội 18. Ngày 26/5/2017, Quang bị khai trừ đảng, cách chức và giao vấn đề sang cho cơ quan tư pháp xử lý.

Qua điều tra của UBKTKLTW thì Quang đã làm giả mọi thứ từ tuổi tác, lý lịch vào đảng, quá trình công tác, học lực đến tình trạng gia đình, vừa làm quan vừa kinh doanh, rải tiền mua chức, từ một ông chủ tư nhân leo lên đến chức vụ được hưởng cấp Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu quốc hội… Ngày 3/6/2017, Viện Kiểm sát tối cao Trung Quốc đã lập hồ sơ điều tra, khởi tố Lô Ân Quang về tội đưa hối lộ…

Làm giả từ tên gọi

Lô Ân Quang khi còn đương chưc


Vấn đề vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của Lô Ân Quang được đưa ra ánh sáng bắt đầu từ việc đoàn thanh tra trung ương tại Bộ Tư pháp đối chiếu hồ sơ đảng viên của y. Trưởng đoàn thanh tra số 6 Trần Dục Giang phát hiện trong đơn xin vào đảng năm 1990 của Quang có ghi “học tập tinh thần bài nói của Đặng Tiểu Bình khi tuần thị phía Nam”, mà chuyến đi này lại diễn ra năm 1992, tức là hai năm sau khi Quang vào đảng. Rõ ràng hồ sơ này là giả hoặc được bổ sung thêm…

Sau khi nhận được đơn tố giác Quang làm giả lý lịch, hồ sơ của y được mang ra soi kỹ thì phát hiện thêm nhiều vấn đề nghi ngờ làm giả nên được báo cáo lên UBKTKLTW. Qua điều tra xác minh thì thấy Quang thực ra mới học chưa xong cấp 3, nhưng đã “không ngừng hoàn thiện” học lực bằng cách bổ sung, mua các bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, Về năm sinh, Quang cũng chữa từ 1958 thành 1965, “trẻ lại” 7 tuổi để tạo ưu thế khi xem xét đề bạt.

Về gia đình, Quang có 7 con nhưng chỉ khai có hai. Những người con còn lại đều dùng thủ đoạn làm thủ tục hộ tịch để chuyển sang các gia đình họ hàng. Ngay cái tên Lô Ân Quang cũng không phải là thật, mà y tự đặt cho mình với ý tứ “Cảm ân phụ mẫu, quang tông diệu tổ” (Báo ơn cha mẹ, rạng danh tổ tông).

Sáu năm thăng 6 cấp

Hơn 20 năm trước, Lô Ân Quang chỉ là một ông chủ tư nhân có đôi chút danh tiếng ở quê nhà huyện Dương Cốc, Liễu Thành, Sơn Đông, sản xuất loại cốc thủy tinh 2 lớp bán khá chạy, trở thành một cự phú tỉnh lẻ. Với tâm niệm “Vạn nghề đều thấp kém, chỉ làm quan cao sang”, Quang điên cuồng tìm cách để chui vào quan trường. Năm 1992, Quang thấy trong xã có một chủ công ty tư nhân trên danh thiếp có in “Bí thư đảng ủy công ty” liền nảy ra ý định chui vào đảng.

Theo đúng trình tự, từ khi làm đơn đến khi kết nạp phải 2 năm, Quang thấy như thế thì quá chậm nên tìm đến Bí thư đảng ủy xã Lý Hằng Quân nhờ giúp đỡ, Sau khi nhận phong bì 5.000NDT, Quân liền tổ chức kết nạp đột xuất cho Quang. Đơn xin vào đảng và đơn tình nguyện vào đảng cùng viết năm 1992, nhưng để hợp lý hóa, đơn xin ghi sớm hơn 2 năm, vì vậy mới có vụ năm 1990 học văn kiện năm 1992.

Sau khi chui được vào đảng, Quang lại tìm cách làm giả lý lịch để được trở thành công chức, làm cán bộ. Năm 1993, Liễu Thành thực hiện chế độ cho phép chủ xí nghiệp tư nhân giữ chức Phó chủ tịch xã phụ trách khoa học kỹ thuật. Thấy thời cơ đã đến, Quang chạy chọt, biếu tiền để được ngồi vào ghế này rồi chạy tiếp chức Phó bí thư xã, từ đó thực hiện giấc mộng làm quan. Năm 1997, đến kỳ bầu cử, Quang bỏ ra khoản tiền vàng lớn để thuận lợi ngồi lên ghế Phó chủ tịch Chính Hiệp huyện, trở thành quan cấp phó huyện.

Để thuận lợi cho việc thăng tiến, Quang giao lại công ty cho anh trai và cháu rồi tập trung chạy chức lên trên. Lần này Quang nhằm đến chức vụ cấp tỉnh, vũ khí sử dụng vẫn là tiền vàng. Tháng 5/1999, Chính Hiệp tỉnh Sơn Đông lập ra thêm Trung tâm dịch vụ khai thác Khoa học kỹ thuật để Quang làm Phó chủ nhiệm, sau 1 năm y lên chức Chủ nhiệm, trở thành cán bộ cấp phòng.

Bàn đạp Quang nhắm đến để về Bắc Kinh là Thời báo Hoa Hạ của Hội người tàn tật Trung Quốc. Năm 2001, Quang lấy từ công ty 5 triệu NDT quyên tặng ban biên tập rồi được nhận về đây làm việc, trở thành Phó giám đốc. Năm 2003 Quang lại “tài trợ” 10 triệu NDT để trở thành Giám đốc (cấp trưởng cục). Từ 1997 đến 2003, Quang đã 6 lần thăng quan, từ một cán bộ cấp phó huyện leo lên cấp trưởng cục ở trung ương nhờ tiền vàng.

Hàng loạt người liên quan

Tuy đã được về Bắc Kinh, trở thành cán bộ cấp cục, nhưng Quang cho rằng tòa soạn báo không phải là cơ quan đảng, chính quyền, không phải là chiến trường để hoạt động chính trị nên quyết nhằm tới các cơ quan chính pháp, tổ chức, kiểm tra kỷ luật. Năm 2007, Quang chạy về công tác tại Bộ Lao động xã hội, chính thức chui vào quan trường với cấp cục trưởng.

Năm 2009, mặc dù không có chút kinh nghiệm công tác gì trong hệ thống chính pháp, Quang vẫn chạy chọt để về được Bộ Tư pháp làm Phó chủ nhiệm chính trị kiêm nhiệm Cục trưởng Cảnh vụ nhân sự. Sau 6 năm, Quang được đề bạt lên chức Chủ nhiệm chính trị, chui vào đảng ủy Bộ, được hưởng cấp Thứ trưởng. Để được ngồi lên ghế này, Quang suốt 7 năm liền thuê nhà ở gần trụ sở, rất ít về nhà, tập trung nghĩ cách “kiên trì đầu tư, kiên định phấn đấu”.

Tờ Sina cho rằng, trong việc Lô Ân Quang được điều về Bộ Tư pháp và leo lên đến chức Chủ nhiệm chính trị (cấp Thứ trưởng), lãnh đạo Bộ Tư pháp phải chịu trách nhiệm lớn. Khi đó, Quang không tiếc tiền bạc, công sức để tạo mối quan hệ với lãnh đạo nhằm được tiến cử nhiều lần khi đề bạt cán bộ.

Ông Lý Nguyên Vĩ, cán bộ Phòng giám sát UBKTKLTW nói: “Quang quan tâm chăm sóc từng ly từng tí đến sinh hoạt của lãnh đạo. Tuần nào cũng đem thức ăn ngon, hoa quả, thịt cá đến nhà dâng lên lãnh đạo bộ, những chuyện nhỏ như hỏng giá sách, vòi nước... Quang cũng ra tay phục vụ”. Quang đề ra phương châm cho mình là “3 nắm, 2 hài lòng”, tức là nắm công tác, nắm lãnh đạo, nắm quần chúng, lãnh đạo hài lòng, quần chúng hài lòng.

Dưới chiêu “dùng tiền vàng mở đường, làm giả để thăng tiến” của Quang, hơn 20 cán bộ lãnh đạo các cấp đã nhận hối lộ của y. Nhiều người đã nhận tiền của Quang, sau thấy y leo đến cấp phó bộ cũng thấy lo. Hiện nay các cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền các cấp có liên quan trong vụ án Lô Ân Quang, trong đó có các cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, bộ đang bị nghiêm túc truy xét trách nhiệm.

Người chịu trách nhiệm chính trong việc đưa Lô Ân Quang lên vị trí hiện nay không ai khác chính là bà Ngô Ái Anh, đồng hương Sơn Đông của Quang, đã bị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi miễn chức Bộ trưởng Tư pháp, giáng xuống cấp phó cục không giữ chức vào ngày 24/2/2017.

Tác giả: Ngô Tuyết

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok