Từ Quốc lộ 217 chừng gần 10 km đi sâu vào trong bản, chúng tôi đã có mặt tại bản Piềng Trang, xã Trung Xuân. Tại đây, một xưởng sản xuất giấy đã hoàn thành các hạng mục xây dựng và đã đi vào hoạt động, xưởng sát sông Lò và con đường liên huyện. Theo quan sát, mọi hoạt động sản xuất trong xưởng đang được diễn ra, nguyên liệu được băm chặt rồi đưa sang các bể ngâm, sau đó bơm thứ nước đặc quánh màu nâu, mùi khó chịu vào trong các bể. Ngay sát đó là dây chuyền máy móc sản xuất giấy, sản phẩm là từng cuộn giấy được xếp ngay ngắn và bốc lên xe vận chuyển đưa đi tiêu thụ.
Công nhân bơm hóa chất vào ngâm nguyên liệu |
Sau xưởng và các bể ngâm nguyên liệu thì có tới 3 bể mà theo nhân viên xưởng là bể chứa nước thải. Tại bể đầu tiên nước thải sản xuất đang được bơm xối xả vào bể, hai bể còn lại chưa có nước, trong hai bể này chỉ có các lớp giấy cứng được ép sát lại với nhau, phải chăng đây là công nghệ xử lý nước thải của xưởng giấy “chui” này?
Dọc các hệ thống bể chứa nước thải là có hẳn một hệ thống ống cỡ lớn chạy thẳng xuống sông Lò. Dưới sông Lò, nước thải sản xuất màu nâu vàng của xưởng giấy đang được xả thẳng xuống dưới sông, nước sủi bọt trắng xóa, bốc mùi hôi nồng nặc, gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái.
Dây chuyền, máy móc của xưởng giấy đã đi vào sản xuất |
Trả lời về vấn đề này, ông Mạc Văn Quang – Chủ tịch UBND xã Trung Xuân cho biết: Xưởng sản xuất giấy tại bản Piềng Trang có giấy phép thuê đất với huyện và xã, huyện cho thuê 5.000 m2 từ năm 2015 với thời hạn 20 năm, còn xã cho thuê 200 m2 cũng từ năm 2015 với thời hạn 5 năm để sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh. Ông Mạc Văn Quang cho rằng: Xưởng sản xuất giấy đầy đủ giấy tờ, các tiêu chí về môi trường đã được kiểm tra và có biên bản. Còn về việc nước thải của xưởng giấy đang xả thẳng ra sông Lò gây ô nhiễm môi trường thì ông Quang chưa nắm được(?!).
Còn ông Phạm Bá Thắng – Cán bộ địa chính xã Trung Xuân cho biết: Trong 5.000 m2 đất huyện cho thuê có một nửa là diện tích đất để phục vụ tái định cư trong địa bàn. Nếu là đất phục vụ dự án tái định cư, vậy tại sao lại được huyện cho đơn vị khác thuê để sản xuất, kinh doanh?
Nước thải sản xuất được xả thẳng ra sông Lò gây ô nhiễm môi trường nước |
Để làm rõ vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ làm việc với UBND huyện Quan Sơn, thế nhưng lãnh đạo huyện và các phòng ban chức năng đều bận họp.
Được biết, trước đó, ngày 03/03/2017, đoàn liên ngành huyện Quan Sơn có tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sử dụng đất đai và công tác bảo vệ môi trường đối với cơ sở này. Qua kiểm tra, chủ cơ sở chỉ xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Bản vẽ tổng mặt bằng xây dựng xưởng sản xuất, ngoài ra không xuất trình được thêm bất kỳ thủ tục pháp lý nào khác liên quan đến hoạt động xây dựng, công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Các bể chứa nước thải sơ sài của xưởng giấy |
Mặc dù xưởng giấy không có thủ tục pháp lý về xây dựng và công tác bảo vệ môi trường, thế nhưng đoàn liên ngành huyện Quan Sơn lại không đình chỉ hoạt động xây dựng, để đến nay các hạng mục xây dựng đã hoàn thiện và đi vào hoạt động sản xuất, thậm chí còn xả thả gây ô nhiễm sông Lò.
Rất mong, Sở TN&MT, UBND tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trên.
Tác giả: Anh Tú
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường