Nhân ái

Quặn lòng người cha trẻ giành giật sự sống cho cặp con “sinh ra từ ống nghiệm”

Chứng kiến cảnh người cha trẻ chạy đôn chạy đáo từ Thanh Hóa chăm con bại não bẩm sinh rồi ra Hà Nội giành giật sự sống cho hai đứa con được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng, xót thương.

Chúng tôi gặp anh Tào Đức Lưu (SN 1986, ở xã Thạch Sơn, Thạch Thành, Thanh Hóa) tại Bệnh viện Nhi Trung Ương đúng ngày 1/6. Nhìn những cặp vợ chồng đưa con đi chơi ngày Quốc tế Thiếu nhi, người cha nghèo càng tỏ rõ nỗi niềm khắc khổ trên khuôn mặt.

Với làn da đen sạm, dáng người rũ rượi và đôi mắt thâm quầng vì nhiều ngày thiếu ngủ, anh Lưu kể chuyện như muốn trực khóc: “Hai cháu sinh non 2 tháng nên yếu lắm. Bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm trùng máu, suy hô hấp nặng. Bây giờ đang phải thở ô xy và chăm sóc đặc biệt trong lồng ấp của Khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh”.

Vợ anh - chị Bùi Thị Hoa (SN 1986) sau ca đẻ mổ cấp cứu, mất nhiều máu vẫn đang phải điều trị đặc biệt bằng kháng sinh tại Khoa hồi sức - Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

“Từ lúc sinh con đến giờ, vợ em vẫn chưa được nhìn thấy 2 cháu. Còn em từ khi đưa con ra bệnh viện Nhi Trung Ương đến giờ cũng chỉ được nhìn 2 cháu qua cửa kính”, anh Lưu nghẹn ngào.

Nói chưa dứt lời thì điện thoại anh đổ chuông, từ đầu dây bên kia thông báo – cháu Tào Quang Linh (7 tuổi) - Con đầu của anh liên tục lên cơn quằn quại rồi sốt cao. Lúc này thì anh bật khóc thật.

10 ngày nay, anh Tào Đức Lưu bỏ ăn, bỏ ngủ luôn túc trực ngóng trông cặp con song sinh đang điều trị trong lòng ấp của Khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh. Ảnh: T.G

Cháu Linh từ khi sinh ra đã được các bác sĩ chẩn đoán bại não bẩm sinh, giãn não thắt. Thương con, đôi vợ chồng trẻ đưa cháu đi khắp nơi chạy chữa nhưng vô vọng. Căn bệnh quái ác khiến cậu bé có khuôn mặt khôi ngô từ lúc chào đời đến nay chỉ nằm yên một chỗ. Chân tay ngày càng teo tóp, không thể cầm nắm vật gì được. Đến bây giờ cháu vẫn chưa thể ăn cơm hạt bình thường mà phải xay ra thành cháo. Mọi sinh hoạt hàng ngày phải có người trông nom, túc trực 24/24.

“Mỗi tháng vợ chồng em phải đưa cháu đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị hai lần. Dù đã có bảo hiểm tàn tật nhưng với rất nhiều loại thuốc điều trị phải mua ở bên ngoài nên mỗi tháng cả chi phí đi lại và tiền thuốc men cho cháu đã phải mất gần 10 triệu”, anh Lưu nhẩm tính rồi chợt rùng mình khi số tiền nợ ngày một nhiều.

Đến năm 2014, thấy không chị Hoa có biểu hiện “bầu bí” nên hai vợ chồng khăn gói đưa nhau ra bệnh viện Nam học hiếm muộn ở Hà Nội khám thì nhận được kết quả “như trời giáng”: Anh Lưu bị yếu tinh trùng còn chị Hoa thì bị buồng trứng đa nang.

Để có thể có con tiếp, các bác sĩ tư vấn hai vợ chồng phải sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Thời điểm ấy, gia đình anh đã khánh kiệt về kinh tế, những khoản nợ vay mượn để điều trị bệnh cho cháu Tào Đức Linh vẫn chưa thể trả hết nên hai vợ chồng đành nuốt nước mắt đi về.

Thấy đưa con ngây dại không một lần gọi tiếng “cha”, anh Lưu quyết định cầm cố những tài sản còn lại và đi vay mượn tiền của mọi người để tiến hành những bước đầu của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

“Đợt đầu vợ em đậu được 6 phôi tuy nhiên trong bụng vẫn còn nhiều trứng nên chưa thể tiến hành đưa phôi vào trong bụng mẹ được. Sau đó, phôi phải trữ đông đến 4 tháng sau mới tiến hành tiếp được”, anh Lưu nhớ lại.

Cuối năm 2015, khi các bác sĩ tiến hành chuyển 3 phôi đầu vào bụng chị Hoa thì kết quả đậu được một phôi. Tuy vậy, sau 28 ngày bác sỹ phát hiện không có tim thai nên phải tiến hành thủ thuật hút phôi thai bỏ đi đúng vào ngày 29 Tết. “Năm ấy, cả nhà em ăn Tết ở bệnh viện. Vợ thì nằm liệt giường, cháu Linh thì đành gửi ông bà trông”, anh Lưu buồn rầu.

Nhắc đến ngày Quốc tế Thiếu nhi, anh Lưu lại lấy ảnh cháu Tào Quang Linh trong ví ra ngắm cho đỡ nhớ. Ảnh: T.G

Không bỏ cuộc, sau khi vợ khỏe lại, anh Lưu tiếp tục đưa vợ ra Hà Nội nhờ các bác sĩ lấy 3 phôi trữ đông còn lại để chờ thời điểm thích hợp sẽ đưa vào bụng mẹ tạo thai.

Cuối tháng 11/2016, tại bệnh viện Nam học hiếm muộn Hà Nội, các bác sĩ tiến hành đưa 3 phôi còn lại vào bụng chị Hoa. Lần này, may mắn đã mỉm cười khi cả 3 phôi đều đậu. Sau 1 tháng, các bác sĩ tiến hành hút một phôi ra với ý định sinh đôi của anh Lưu – chị Hoa.

Những tưởng sau bao khó khăn, sự suôn sẻ sẽ tới với cặp vợ chồng khốn khổ nhưng khi cái thai được 27 tuần tuổi thì người mẹ bị chẩn đoán có nguy cơ đẻ non. Thêm nữa bệnh tiểu đường của chị Hoa lại tái phát khiến việc điều trị càng trở nên phức tạp.

Sau khi tiêm thuốc để giữ thai không thành công, các bác sĩ bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã tiến hành mổ cấp cứu vào ngày 20/5/2017. Sau ca sinh non, chị Hoa phải mất nhiều máu, lại thêm biến chứng của bệnh tiểu đường khiến chị chỉ có thể năm một chỗ điều trị bằng những loại thuốc kháng sinh, giảm đau.

Hai bé trai song sinh vừa mới ra khỏi bụng mẹ được một ngày thì bị chẩn đoán là nhiễm trùng máu, suy hô hấp nặng nên các y bác sỹ ở Bệnh viện Nhi Thanh Hóa phải chuyển gấp lên bệnh viện Nhi Trung ương để có điều kiện chăm sóc tốt hơn.

Không kịp ở lại chăm sóc vợ, anh Lưu lại tất tả theo xe của bệnh viện cùng hai con lên Hà Nội. “2 cháu nhập viện khoa cấp cứu sơ sinh từ hôm 22/5. Các bác sĩ đặt tạm tên cho 2 cháu là Tào anh, Tào em để dễ phân biệt”, người cha khắc khổ kể lại.

“Giờ hai con ở trong lồng ấp, em cũng không được vào thăm. Vợ thì nằm điều trị ở xa mấy trăm cây số. Con trai ở quê thì ốm đau, bệnh tật. Giờ em hoang mang cũng không biết phải làm sao. Nếu tình trạng vợ và các cháu xấu mà cần thêm tiền chạy chữa thì em cũng hết cách. Gia đình em đã nợ quá nhiều và không thể vay mượn ở đâu được nữa. Mọi người ơi giúp em với…”, anh Tào Đức Lưu khẩn khoản.

Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, chị Nguyễn Thúy Hà, điều dưỡng trưởng - Khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Sáng 22/5, Khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh có tiếp nhận điều trị cho 2 bé Tào Anh, Tào Em theo diện chuyển tuyến từ bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Do sinh non 2 tháng nên 2 cháu bị chẩn đoán suy hô hấp nặng và nhiễm trùng máu. Hiện các bác sỹ đã đưa 2 cháu vào diện chăm sóc đặc biệt trong lồng kính, phòng cách ly.

“Trường hợp 2 cháu, chúng tôi vẫn cần tiếp tục theo dõi trong thời gian tương đối dài. Hậu quả của việc sinh non có thể khiến các cháu bị một số bệnh ảnh hưởng như: Nhiễm trùng, xuất huyết não, một số bệnh về mắt …” chị Hà chia sẻ.

Cũng theo vị điều dưỡng trưởng của khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh, khi nắm được thông tin về hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Tào Văn Lưu thì khoa cũng đã đề xuất với phòng công tác xã hội hỗ trợ. Tuy nhiên, để các cháu có điều kiện được chữa bệnh lâu dài rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ của các nhà hảo tâm trong cả nước.

Mọi sự giúp đỡ gia đình anh Tào Đức Lưu - Mã số 279 - xin gửi về:
Anh Tào Đức Lưu, ở xã Thạch Sơn, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Tác giả:Cao Tuấn – Trần Tuấn

Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok