Trong tỉnh

Quan Hóa (Thanh Hóa): Nhức nhối nạn khai thác và tập kết cát trái phép

Mặc dù UBND tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều văn bản chấn chỉnh về việc khai thác và tập kết cát trái phép, thế nhưng thay vì thực hiện nghiêm túc các văn bản trên, UBND huyện Quan Hóa chỉ mới thực hiện cho “có lệ”. Tình trạng khai thác và tập kết cát trái phép vẫn diễn ra rầm rộ, công khai.

Bãi cát lớn được tập kết ngay dưới cầu thuộc địa phận xã Phú Lệ.

Dọc theo hai tuyến đường QL15 và đường Hồi Xuân - Tén Tằn (ĐT520) đoạn chạy qua địa bàn huyện Quan Hóa, không khó để phóng viên (PV) bắt gặp những núi cát nằm ngay bên đường. Phía dưới sông Mã, sông Luồng là những máy bơm đang thi nhau bơm cát đưa lên bãi tập kết, điển hình như xã Phú Thanh, Phú Lệ, Nam Động, Nam Tiến... của huyện Quan Hóa (Thanh Hóa).

Theo một số người dân ở đây cho biết: Nạn khai thác và tập kết đã diễn ra từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương cũng đã xử lý nhưng chỉ được vài hôm im ắng sau đó hoạt động rầm rộ trở lại. Ở đây có nhiều chủ cát lớn điển hình như bà Khuyên, ông Trung mỗi ông bà này đều có vài ba bãi dọc theo tuyến đường quốc lộ 15. Cát ở đây được bán với mức giá thấp nhất là 150 nghìn đồng/m3 tại bãi.

Ngang nhiên tập kết cát trái phép ngay sát Quốc lộ 15.

Qua điều tra của PV, khối lượng cát được tập kết ở dọc hai tuyến đường trên đa số là “cát lậu” được các chủ bãi hút trực tiếp từ dưới sông lên tạo thành bãi cát lớn rồi bán kiếm lời. Khi khan hiếm các chủ cát dùng thuyền đi dọc sông để khai thác những điểm nhỏ lẻ sau đó chở về bãi tập kết hoặc mua lại từ các thuyền “cát tặc”. Cát ở đây chủ yếu được vận chuyển sang tỉnh Hòa Bình để tiêu thụ, một số ít phục vụ cho người dân địa phương.

Trao đổi với PV, ông Cao Xuân Nhuận - Chủ tịch UBND xã Phú Thanh cho biết: Hiện nay khu vực bản Đỏ là khu vực tập kết cát trái phép từ nhiều năm nay, nhưng khu vực này đang tranh chấp địa giới hành chính (chưa thống nhất) từ lâu nên tình trạng tập kết cát trái phép rất khó xử lý. Gần đây huyện cũng đã có quyết định xử phạt đối với ông Lê Quang Trung, địa chỉ tại Bản Đỏ xã Phú Thanh, số tiền phạt 35 triệu đồng; bà Hà Thị Khuyên, địa chỉ tại Bản Đỏ xã Phú Thanh, số tiền phạt 4 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Cự, địa chỉ tại Xóm Co Lương, xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, số tiền phạt 50 triệu đồng.

Mặc dù đã cắm biển cấm tập kết, tuy nhiên cát vẫn được tập kết ngay sát biển cấm.

Khi được hỏi trách nhiệm về việc quản lý cũng như ngăn chặn việc tập kết cát trái phép của xã đến đâu, ông Nhuận cho hay: Thực ra việc ngăn chặn việc tập kết là rất khó, vì nhu cầu của dân cần cát để xây dựng. Nếu không cho họ tập kết thì họ mang sang bên Hòa Bình tập kết người dân xã phải sang đó mua thì giá còn cao hơn. Nếu Thanh Hóa và Hòa Bình cùng làm thì mới ngăn chặn được.

Còn hộ gia đình ông Nguyễn Văn Cự bị xử phạt 50 triệu đồng nói: “Nếu bây giờ mà cấm thì cấm hết, chứ không thể cấm mình gia đình tôi được. Tôi cũng không hiểu vì sao nhà bà Khuyên làm cũng như tôi mà bị phạt có 4.000.000 đồng, trong khi đó tôi bị phạt tới 50 triệu đồng. Ngoài ra còn nhiều gia đình khác làm như chúng tôi cũng không thấy ai phạt?”.

Việc khai thác và tập kết cát trái phép trên địa bàn huyện Quan Hóa đã rõ. Tuy nhiên, không hiểu vì sao bất chấp việc xử phạt và ngăn chặn nhưng việc khai thác và tập kết cát vẫn diễn ra? Vì sao UBND huyện Quan Hóa xử phạt bên nặng, bên nhẹ? Vấn đề trên đề nghị các ban, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc kiểm tra, ngăn chặn tình trạng trên.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Trần Cường

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok