(Ảnh minh họa: Lê Huy Hải/TTXVN) |
Tháng 1/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang quyết định công nhận quần đảo này là khu du lịch địa phương càng tạo thêm điều kiện thuận lợi cho xã Tiên Hải khơi dậy tiềm năng, phát triển du lịch, mời gọi thu hút đầu tư và giao lưu văn hóa, tăng thu nhập, nâng trình độ dân trí của người dân trên đảo.
Quần đảo Hải Tặc có 18 hòn đảo (16 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 đảo chìm), gồm Hòn Tre (còn gọi là Hòn Đốc), Tre nhỏ, Tre Vinh, Đồi Mồi lớn, Đồi Mồi nhỏ, Hòn Giang, Hòn Đước, Hòn Ụ, Bánh Tét, Bánh Ít, Hòn Ruồi, Bánh Lái, Kiến Vàng, Bánh Quy, Bánh Tổ, Hòn Phụ Tử, Đá Nổi 1 và Đá Nổi 2; tổng diện tích tự nhiên hơn 251ha.
Theo đường biển, xã cách trung tâm thành phố Hà Tiên khoảng 20km, tiếp giáp với nước bạn Campuchia và hai huyện Phú Quốc, Kiên Lương (Kiên Giang).
Toàn xã có 500 hộ, hơn 2.000 người, tập trung sinh sống ở Hòn Tre, Hòn Giang, Hòn Đước và Hòn Ụ. Đời sống kinh tế chủ yếu là khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.
Điểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch tìm đến quần đảo Hải Tặc là có bãi biển đẹp, cát trắng mịn, làn nước trong xanh, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, không khí mát mẻ, trong lành.
Nơi đây có nhiều sản phẩm đặc trưng như câu cá, tắm biển, tắm nắng, du thuyền ngắm biển, khám phá trải nghiệm rừng, biển đảo tự nhiên và nghề nuôi cá lồng bè truyền thống của ngư dân, cùng nhiều loài thủy sản tươi ngon làm vừa lòng thực khách.
Đặc biệt, tên gọi lạ lẫm, ấn tượng “quần đảo Hải Tặc” tạo nét riêng thú vị, đặc trưng có một không hai trên vùng biển cực Nam Tổ quốc thu hút du khách đến tham quan, du lịch, tìm hiểu.
Theo lịch sử Hà Tiên ghi lại, vào thế kỷ 17, Tổng trấn Mạc Thiên Tích nhiều lần lệnh cho các tướng lĩnh ra dẹp loạn cướp biển ở đây và tên gọi quần đảo Hải Tặc xuất hiện từ đó.
Một vài thành viên của bọn cướp biển người bản địa vẫn còn dấu tích ở đất đảo Tiên Hải.
Ông Phan Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Hải, cho biết: Năm 2014, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Tiên xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng xã Tiên Hải giai đoạn 2014-2020 để khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch quần đảo Hải Tặc, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch Hà Tiên.
Tiếp đến, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định công nhận quần đảo Hải Tặc là khu du lịch địa phương, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho Tiên Hải và thành phố Hà Tiên phát triển du lịch hiệu quả, nhất là sẽ thu hút du khách quốc tế, mời gọi đầu tư, góp phần phát triển kinh tế biển và du lịch Kiên Giang.
Thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2014-2016, Ủy ban Nhân dân xã Tiên Hải thành lập Ban Quản lý du lịch cộng đồng Tiên Hải, tập trung tuyên truyền nội dung đề án đến từng hộ dân trên đảo nhằm tạo sự đồng thuận cao.
Qua đó, tuyển chọn 17 hộ dân đủ điều kiện cơ sở vật chất tham gia đề án phục vụ khách du lịch như ẩm thực địa phương, lưu trú, hướng dẫn tham quan các đảo, câu cá giải trí, thăm trải nghiệm nuôi cá lồng bè trên biển.
Xã tạo điều kiện cho những hộ dân này vay vốn đầu tư cơ sở vật chất làm du lịch cộng đồng như xây dựng, nâng cấp nhà nghỉ, ẩm thực, du thuyền, trang thiết bị; tổ chức tập huấn phục vụ du lịch, du lịch cộng đồng có trách nhiệm, dịch vụ kinh doanh ăn uống, lưu trú nhà dân và đầu tư mở một số tuyến du lịch.
Kết quả, cuối năm 2016, điểm du lịch quần đảo Hải Tặc xuất hiện đậm nét trên bản đồ du lịch Kiên Giang và khu vực miền Tây Nam bộ, với hơn 1.300 lượt du khách đến tham quan, doanh thu đạt gần 600 triệu đồng.
Đây cũng là năm đầu tiên, xã đảo Tiên Hải đón lượng khách du lịch đến đông nhất và doanh thu cao nhất từ trước đến nay.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Hải cho biết thêm, trong 2 năm 2017-2018, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện đề án, xã tiếp tục tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ và hộ dân về du lịch cộng đồng; đánh giá lại những mô hình du lịch hiệu quả, rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện và nhân rộng nhằm phục vụ du khách ngày càng tốt hơn, với tinh thần mỗi người dân trên đảo là một hướng dẫn viên du lịch tiếp đón khách niềm nở, thân thiện để giữ chân du khách.
Xã hiện có hàng chục hộ gia đình có phòng nghỉ khang trang, tiện lợi cho khách du lịch lưu trú và trải nghiệm ẩm thực tại nhà, đạt 60% so với mục tiêu đề án.
Ông Tăng Hồng Phước, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại Du lịch thành phố Hà Tiên, cho biết: Đề án phát triển du lịch cộng đồng Tiên Hải đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đặc biệt là cho người dân trên đảo.
Một số hộ dân từng bước biết cách thức làm du lịch và đặc biệt du khách đến với xã Tiên Hải cũng như quần đảo Hải Tặc mong muốn được trải nghiệm, hòa vào thiên nhiên, với cộng đồng người dân bản địa.
Họ được trải nghiệm các hình thức như câu cá, trải nghiệm nuôi cá lồng bè, các hoạt động đánh bắt ngư nghiệp của người dân, tìm hiểu câu chuyện lý thú về quần đảo Hải Tặc.
Lượng khách du lịch đến quần đảo Hải Tặc tăng lên đáng kể. Năm 2018, đón khoảng 80.000 lượt khách, tăng 10% so với năm 2017; tổng giá trị lĩnh vực du lịch ước đạt 29 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với năm 2017.
Cùng với đó, đầu năm 2018, Ban Quản lý du lịch cộng đồng Tiên Hải thực hiện thí điểm “Mô hình Homestay - Du lịch cộng đồng bền vững” với 3 hộ dân tham gia kết hợp tăng cường quảng bá, giới thiệu du lịch cộng đồng Tiên Hải đến du khách trong và ngoài tỉnh Kiên Giang.
Xã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, gắn phát triển du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới. Nhiều dự án, công trình được đầu tư xây dựng như lộ giao thông Hòn Giang, nâng cấp hồ nước ngọt và cải tạo hệ thống đường ống dẫn nước quanh đảo Hòn Tre, thi công đưa lưới điện quốc gia ra đảo… phục vụ đời sống dân sinh và phát triển du lịch trên đảo.
Hiện Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã giao Sở Du lịch Kiên Giang và thành phố Hà Tiên tăng cường quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư, thu hút du khách đến khu du lịch địa phương quần đảo Hải Tặc.
Đồng thời nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh xem xét, quyết định về những cơ chế chính sách phù hợp, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững theo đúng định hướng quy hoạch đã được phê duyệt để khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng du lịch quần đảo này./.
Tác giả: LÊ HUY HẢI
Nguồn tin: Báo TTXVN