Du lịch

Quán chè gần 60 năm tuổi ở Sài Gòn

Mọi thứ bên trong quán chè Hiển Khánh vẫn được giữ nguyên như ngày đón những vị khách đầu tiên hồi năm 1959.


Nép mình trong dãy nhà phố nhà san sát nhau trên đường Nguyễn Đình Chiểu đoạn qua khu vực chợ Bàn Cờ, tiệm chè Hiển Khánh có phần nhỏ bé vì bảng hiệu khiêm tốn, không phô trương. Trong khi những cửa hàng xung quanh thay chủ đổi tên nhiều lần, quán vẫn tồn tại từ những năm cuối thập niên 1950 đến nay. Quán chè này đã truyền được đến đời thứ ba.

Một trong số những bài thơ treo khắp quán. Ảnh: Huỳnh Duyên.


Theo bà Minh Nguyệt, người chủ hiện nay, Hiển Khánh là tên một ngôi làng ở Nam Định, nơi mà năm xưa cha bà đã giã biệt sinh quán để vào Nam.

“Nhiều người tưởng Hiển Khánh là tên chủ tiệm. Thật ra, ông Nguyễn Quý Quyền cha tôi và một người đồng sở hữu nữa tên Trần Nghệ là hai người chủ đầu tiên. Tiệm lúc trước ở khu Đa Kao, quận 1. Năm 1965 ông mở thêm chi nhánh ở đây nữa, tuy nhiên tiệm ở Đa Kao đã không còn”, bà Nguyệt giải thích.

Bảng tên hai chữ “Hiển Khánh” treo ngay cửa ra vào được trang trí và có màu của phong cách phổ biến ở Sài Gòn những năm trước. Điều khiến người dân và du khách thích thú nhất ở đây chính là tấm trải bàn bằng bạt nhựa, kiểu mà hầu hết hàng quán ở miền Nam đều dùng xuyên suốt từ trước 1975 cho đến những năm 1990.

Phía trong quán, hầu như mọi vật dụng trang trí, mấy bức tranh treo, bàn tính tiền, dĩa cổ đều được giữ nguyên như những ngày đầu. Hơn 10 bộ bàn ghế gỗ kiểu xưa thâm thấp, ám màu thời gian. Trên bàn, 6-7 dĩa như bánh lá gai, bánh đậu xanh, bánh bông lan chuối, đậu phộng được bày ra, mời gọi như kiểu vẫn hay bày bán cho học sinh những thế hệ trước.

Chỉ vào dĩa bánh đậu xanh nướng trên bàn và dãy bánh sắp đầy trong chiếc tủ gỗ kê sát tường, bà Minh Nguyệt cười hồ hởi, nói rằng chúng là minh chứng rõ ràng cho sự nhận biết người Nam Định trong đó có cha bà, người đã đem món bánh truyền thống của quê vào đây.

Các món bánh phục vụ khách trên bàn, bán cùng với chè. Ảnh: Huỳnh Duyên


Trong quán còn có bảng đề thơ do chính tay hai ông chủ sáng tác. Hai món chính từng làm mê hoặc khách: thạch trắng và đậu xanh, được hai ông lý giải bằng thơ về công dụng và xuất xứ. Ngoài ra, mấy câu thơ tếu táu, lãng mạn về bánh phu thê, bánh lá gai cũng được đề trên 5-6 chiếc bảng treo rải rác trên tường.

Cảm mến sự hào hoa, lãng tử của ông Quyền, giới học trò trường Gia Long, Chu Văn An, Pétrus Ký cứ kéo tới quán chọn đây làm điểm hẹn sau giờ học, rồi dần dà biến nơi này trở thành một địa điểm không thể quên dù sau này có phải ly tán do biến cố thời cuộc.

Bà Minh Nguyệt lướt mắt trên tấm bảng treo trên tường nói, tài sản người cha đã mất cách đây 5 năm là quán chè và không gian ký ức thân thuộc của nhiều thế hệ người dân Sài Gòn. “Cha tôi mất hồi 91 tuổi. Tuy vậy, mẹ tôi vẫn còn với con cháu. Hàng ngày, mỗi chiều tôi vẫn hay dìu bà ra đây cho khuây khoả, đỡ nhớ”.

Không gian cũ kỹ đậm chất thành thị trước 1975. Ảnh: Huỳnh Duyên


Mark Wiens, một blogger nổi tiếng về du lịch viết trên trang cá nhân của mình về trải nghiệm lần đầu khi đến quán Hiển Khánh. Như nhiều vị khách trẻ người Việt khác, Mark viết rằng anh bị thu hút bởi sự mộc mạc của tấm trải bàn bằng nhựa, in hoạ tiết theo kiểu trang trí xưa. Đồ ăn tráng miệng kiểu Việt Nam như các món thạch chè, với Mark, “nước chè đều không quá ngọt, thay vào đó, chúng phảng phất chút hương của hoa nhài”.

“Vợ tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi món chè khúc bạch”, Mark viết, “dù món tráng miệng này đang phổ biến khắp các ngõ hẻm Sài Gòn, nhưng với một vị khách đến từ một nền văn hoá khác, trải nghiệm món ăn đặc trưng địa phương này thật thú vị”.

Quán chè này được yêu thích đến nỗi có một quán chè khác lấy nguyên tên đặt cho mình ở thủ phủ người Việt ở California, Mỹ - khu Little Saigon, dù theo bà Minh Nguyệt, suốt từng ấy năm mở cửa gia đình bà chưa từng mở thêm chi nhánh hay nhượng quán cho ai.

Tác giả bài viết: Huỳnh Duyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok