Trưa 7-9, ông Nguyễn Anh Việt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) Long An cho biết qua thông tin báo Người Lao Động phản ánh quán cơm ở địa phận huyện Thủ Thừa chặt chém khách, lãnh đạo đã tỉnh đã chỉ đạo đơn vị này phối hợp địa phương kiểm tra để chấn chỉnh và xử lý.
Khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, đội QLTT số 4 phụ trách huyện Bến Lức - Thủ Thừa phối hợp Công an xã Nhị Thành đã cử người xuống quán ăn được xem là "chặt chém" khách trong ngày lễ để kiểm tra giấy phép đăng ký kinh doanh và vấn đề an toàn thực phẩm…Tuy nhiên, đến nơi vợ chồng chủ quán không có mặt.
Theo quan sát, quán ăn trên có 4 bộ bàn ghế nhựa, 1 chiếc tủ nhôm dùng để đựng thức ăn. Nhìn từ bên ngoài vẫn còn thấy mấy gói mì tôm, thùng nước lọc đã cũ….
Công an xã Nhị Thành cho biết ngày 6-9, vợ chồng chủ quán lên trụ sở làm việc, sau đó viết cam kết sẽ không tái diễn nạn chặt chém.
|
QLTT kiểm tra quán ăn "chém đẹp" khách |
Ông Phạm Thành Long, Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa nói UBND huyện đã yêu cầu Chủ tịch UBND xã Nhị Thành báo cáo sự việc. Vị chủ tịch huyện nhấn mạnh trong xử lý sự việc, chính quyền xã đã có mặt trực tiếp tại quán nhưng chỉ mang tính chất hòa giải và để cho khách và chủ quán thỏa thuận 6 dĩa cơm "bình dân " từ 1,2 triệu xuống còn 400 ngàn đồng là không hợp lý, sai quy trình. "Đáng lý ra khi đó xã phải lập biên bản, có người làm chứng để sau đó có quyết định xử phạt hành chính", ông Long phân tích và nói đã yêu cầu Chủ tịch UBND xã Nhị Thành xem xét lại toàn bộ vụ việc để xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Mấy năm trước trên QL1 đoạn qua địa bàn huyện, từ dư luận phản ánh, ngành chức năng đã phát hiện và xử phạt một số quán "chặt chém" khách.
Để không có các quán 'chém đẹp" khách" tái diễn, UBND huyện đang xúc tiến thành lập tổ kiểm tra các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn về vấn đề niêm yết giá cả, an toàn thực phẩm, điều kiện kinh doanh. Đồng thời, thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh từ người dân về các cơ sở buôn bán, kinh doanh "chặt chém" khách hàng.
"Số điện thoại đường dây nóng sẽ được dán ngay tại các hàng, quán dịch vụ, ở chỗ khách dễ thấy nhất", ông Long nhấn mạnh.
Như đã thông tin, khoảng 15 giờ ngày 4-9, nhóm thanh niên 6 người đi 3 xe máy lưu thông từ miền Tây về TPHCM, đến đoạn km 1940+200 m Quốc lộ 1 (thuộc địa phận khu vực Cầu Ván ấp 7, xã Nhị Thành) họ ghé vào quán cơm, phở, hủ tíu ven đường để ăn cơm. Gọi 6 đĩa cơm sườn, trứng và ít rau, 6 ly nước đá, ăn xong kêu tính tiền, chủ quán nói tổng cộng 1,2 triệu đồng.
Khi khách hàng điện thoại báo chính quyền, UBND xã Nhị Thành cử lực lượng xuống giải quyết. Đoàn của xã xuống không xử phạt mà chỉ làm vai trò hòa giải để hai bên thỏa thuận. Cuối cùng khách hàng phải trả cho chủ quán 400.000 đồng. Dù không vừa lòng nhưng 6 vị khách cũng đành thanh toán tiền rồi rời đi.
Theo hồ sơ đăng ký, chủ quán là Đỗ Thanh Nhân (SN 1983, quê Bà Rịa-Vũng Tàu), vợ là Nguyễn Thị Phương Khanh (SN 1986, ngụ xã Bình Đức, huyện Bến Lức, Long An) mới thuê mặt bằng mở tiệm ăn vài tháng nay.
Tác giả: HOÀNG MINH
Nguồn tin: Báo Người lao động