Từ “hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”...
“Kịch bản” lừa đảo chiếm đoạt tài sản “đầu tay” của Nguyễn Thị Quỳnh Anh là cuối năm 2010, khi bán chiếc ô-tô 4 chỗ ngồi cho anh Toàn - người cùng buôn bán bất động sản với mình lấy 280 triệu đồng. Sau đó, Anh lại mượn chiếc ô-tô này làm phương tiện đi lại, tiếp tục lừa đảo. Lợi dụng lòng tin của những người quen biết, Anh đã gặp một số “đại gia” thành Vinh, các hộ buôn bán có kinh tế khá giả đặt vấn đề vay “nóng” tiền đầu tư vào kinh doanh bất động sản. Vì nể Anh là chỗ thân quen, hơn nữa, tin tưởng là con của cán bộ có uy tín, nhiều người đã trao hàng tỷ đồng cho Anh. Một quái chiêu đáng nói ở đây là mặc dù những nạn nhân trước đó Anh đã vay của họ tiền tỷ mà chưa trả một xu, nhưng đối tượng lại sử dụng giấy tờ giả đưa đến làm tài sản thế chấp và tiếp tục qua mặt các “đại gia” trên để vay tiền. Sau khi bị tố giác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Anh đã dùng chiếc ô-tô mượn của anh Toàn trốn vào TP Đà Lạt. Tại đây, Anh nhờ một người đàn ông tên là Việt bán chiếc ô-tô này để lấy tiền tiêu xài và sống chui lủi ở đây. Cuối tháng 10-2014, Anh bị bắt theo quyết định truy nã của CATP Vinh.
Quá trình đấu tranh, cơ quan CSĐT đã làm rõ, từ cuối năm 2010 đến năm 2011, lợi dụng sự tín nhiệm của các bị hại, Nguyễn Thị Quỳnh Anh thực hiện 13 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền gần 13 tỷ đồng. Điển hình, lợi dụng quen biết với chị Nguyễn Thị Hoài (trú TP Vinh) Anh điều khiển ô-tô đến nhà đặt vấn đề vay tiền để kinh doanh bất động sản, hứa sẽ trả gốc và lãi suất hằng tháng sòng phẳng. Vì nể Anh là con “sếp” có uy tín trước đây nên chị Hoài đã 3 lần cho vay tổng số tiền hơn 1,86 tỷ đồng. Đến ngày hẹn trả tiền gốc và lãi, chị Hoài gọi điện thoại thì Anh nói khéo là đang chờ đấu giá 4 lô đất ở TX Cửa Lò xong sẽ lên thanh toán... để khất nợ. Với thủ đoạn trên, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2011, lợi dụng tín nhiệm của người quen, Anh đã lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền gần 6 tỷ đồng của 9 bị hại.
Nguyễn Thị Quỳnh Anh lên xe về Trại giam.
Trong những thủ đoạn lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản phải kể đến vụ “qua mặt” Văn phòng Công chứng ở TP Vinh. Nạn nhân cũng là chị Nguyễn Thị Hoài mà trước đó Anh đã vay 1,86 tỷ đồng chưa trả. Lần này, thấy Anh xuất hiện, chị Hoài nghĩ là đến trả món nợ cũ nên phấn khởi đón tiếp, không ngờ Anh lại đặt vấn đề hỏi vay “nóng” tiếp. Chị Hoài nhất quyết từ chối vì trước đó Anh đã vay số tiền lớn chưa trả. Anh đưa ra lý do sau khi thắng đấu giá 2 lô đất trị giá 4 tỷ đồng chưa bán được nên lỡ hẹn và giãi bày: “Nếu bạn bè không thật thà thì ai dám đến đây hỏi vay... Việc kinh doanh bất động sản mua đi bán lại phải có thời gian chứ đâu phải mua bán bó rau ngoài chợ. Mình có thửa đất ở P. Nghi Hải, TX Cửa Lò muốn thế chấp cho chị. Hai chị em mình xuống xem luôn thể”. Tin lời, sau khi xem giấy tờ và được Anh đưa đi xem lô đất, chị Hoài và Anh thống nhất thế chấp bìa đỏ trị giá 900 triệu đồng. Chị Hoài liên lạc với em ruột là Nguyễn Nam Bảo (trú P. Hưng Dũng, TP Vinh) chung một nửa tiền và được Bảo đồng ý đưa cho chị Hoài 450 triệu đồng. Lần này để chắc ăn, chị Hoài, anh Bảo và Anh đến Văn phòng Công chứng Trường Thi, TP Vinh làm hợp đồng ủy quyền từ Nguyễn Thị Quỳnh Anh sang Nguyễn Nam Bảo. Hợp đồng ủy quyền được Công chứng viên Nguyễn Văn Hợi ký xác nhận. Sau khi làm xong hợp đồng ủy quyền, chị Hoài đưa cho Anh đủ 900 triệu đồng.
Tương tự như trường hợp chị Hoài, bà Lê Thị Hoài Thu (trú P. Quang Trung, TP Vinh) cũng rơi vào “bẫy” của Anh chỉ vì thân quen. Khi đến nhà bà Thu, Anh nói như rót mật vào tai rồi trao cho bà Thu một bìa đỏ để thế chấp. Nghĩ đây là cơ hội để lấy lại số tiền tỷ mà mình đã cho Anh vay trước đó, bà Thu cũng đem đến văn phòng công chứng làm hợp đồng ủy quyền hẳn hoi. Khi xuống bộ phận một cửa UBND TX Cửa Lò kiểm tra hồ sơ gốc thì phát hiện ra đó là bìa đỏ giả. “Tiền mất tật mang”, sau khi bị lừa, bà Thu phải bán ngôi nhà đang ở để lấy tiền trả nợ ngân hàng. Hoặc trường hợp anh Nguyễn Công Cường (trú P. Hưng Bình, TP Vinh) cũng bị Anh lừa đảo. Anh đến hỏi vay tiền “nóng” để kinh doanh bất động sản nhưng anh Cường yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Anh cầm bìa đỏ của người khác nhờ làm thủ tục chuyển nhượng, đưa đến nhờ một người tên là Bắc làm một bộ ủy quyền giả rồi cầm đến thế chấp cho anh Cường, vay 5 lần tổng cộng 2,8 tỷ đồng.
Chị Trần Thị Cẩm Lệ (trú TP Vinh) cũng bị Anh dùng bìa đỏ giả lừa đảo, rồi đưa chị đi xem thửa đất ảo ở P. Nghi Hải, TX Cửa Lò, giới thiệu là đất của mình trị giá 2 tỷ đồng vừa làm xong thủ tục. Chị Lệ đã đồng ý thế chấp thửa đất lấy 800 triệu đồng. Tuy nhiên, do Anh chưa trả hết số tiền vay trước đó nên chị Lệ chỉ đưa cho Anh 200 triệu đồng. Vợ chồng anh Nguyễn Đức Hoan (trú TP Vinh) cũng rơi vào “bẫy” của Anh với tổng số tiền 1,7 tỷ đồng.
Theo thông tin thu thập được, trong vụ án này còn có hơn 10 trường hợp khác là cán bộ công chức cũng bị Anh lừa đảo chiếm đoạt khoảng hơn chục tỷ đồng nhưng chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không đến CQĐT tố giác. Mới đây, TAND Tối cao đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh Anh và tuyên y án sơ thẩm của TAND tỉnh Nghệ An vào tháng 5-2016, phạt bị cáo 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 13 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tổng hình phạt chung bị cáo phải chấp hành là 26 năm tù, tính từ ngày bị bắt tạm giữ, tạm giam 25-10-2014. Về dân sự, buộc bị cáo phải bồi thường cho 12 bị hại tổng số tiền 12,805 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Công Cường 2,8 tỷ đồng; bà Trần Thị Cẩm Lệ 2,76 tỷ đồng; chị Nguyễn Thị Hoài 2,76 tỷ đồng; bà Đậu Thị Tâm 2 tỷ đồng; bà Lê Thị Hoài Thu 1 tỷ 800 triệu đồng; vợ chồng anh Nguyễn Đức Hoan 1,7 tỷ đồng và các bị hại còn lại hàng trăm triệu đồng.
Nguồn tin: Báo Công an Đà Nẵng