Trong nước

Qua Facebook, bóc gỡ đường dây sản xuất tiền giả

Qua không gian ảo trên mạng xã hội Facebook, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa bóc gỡ thành công một đường dây sản xuất và tiêu thụ tiền giả, đối tượng tham gia hầu hết là học sinh, sinh viên của một số trường đại học, trung học trên địa bàn.

Quá trình điều tra, đến ngày 23-11, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa hoàn tất bản kết luận, chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát, đề nghị truy tố 5 đối tượng về các tội danh làm, lưu hành tiền giả. Đây là vụ sản xuất tiền giả đầu tiên được phát hiện ở trong nội địa.

Vụ án bắt nguồn từ sự giác ngộ của nguyên sinh viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nha Trang, Lê Văn Phúc (20 tuổi, ở tại phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Qua Facebook, sinh viên này đã tham gia vào một đường dây lưu hành tiền giả.

Đối tượng Bùi Quang Hải đang thực nghiệm điều tra cùng tang vật vụ án.

Vì ân hận về hành vi sai trái, muốn được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, ngày 13-3, Phúc đã đến Công an phường Lộc Thọ TP Nha Trang đầu thú, tự nguyện giao nộp 726 tờ tiền giả, loại mệnh giá 5 nghìn đồng.

Không dừng lại ở đó, sau đó 3 ngày, Phúc đã đưa Trịnh Minh Hùng (18 tuổi, trú tại xã Vĩnh Hiệp, TP Nha Trang), một mắt xích trong đường dây tiêu thụ tiền giả, đồng thời là cầu trên của Phúc đến Công an phường Lộc Thọ...

Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ án, Đại tá Nguyễn Viết Định, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa đã giao nhiệm vụ cho Phòng An ninh điều tra vào cuộc, nhanh chóng nắm bắt tình hình.

Tại cơ quan điều tra, Trịnh Minh Hùng khai nhận: Qua Facebook, Hùng quen các đối tượng trong nhóm tiêu thụ tiền giả. Hùng liên hệ với Facebook cá nhân “Nguyễn Quốc Vinh” kết bạn, tham gia nhóm chát. Đối tượng này đã nhiều lần mua tiền giả của chủ Facebook “Nguyễn Quốc Vinh”.

Tìm hiểu gia cảnh của Hùng, lực lượng An ninh điều tra biết anh ta có cảnh ngộ rất đáng thương. Hùng mồ côi cha mẹ; từ nhỏ, cậu ta sống nhờ sự chăm sóc, nuôi dưỡng của người dì. Do hám lời và nhận thức pháp luật còn hạn chế, đối tượng đã tham gia vào đường dây...

Từ thông tin trên, Trung tá Phan Thanh Bình, Phó trưởng Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa đã động viên, thuyết phục Hùng hợp tác với cơ quan An ninh điều tra.

Từ đó, qua rà soát, lực lượng trinh sát xác định danh tính đầy đủ của chủ Facebook “Nguyễn Quốc Vinh” là Châu Đỗ Hoàng Hà (20 tuổi, ở tại phường Tân Kiểng, quận 7, TP Hồ Chí Minh). Hồng Hà được đánh giá là một sinh viên giỏi của một trường cao đẳng kỹ thuật.

Sau khi bị bắt, Hà khai nhận: Khoảng cuối năm 2015, Hà dùng tài khoản Facebook cá nhân Nguyễn Quốc Vinh kết bạn, tham gia nhóm chat với Trịnh Minh Hùng, Facebook có tên hiển thị là “Trần Bảo Minh” và một người sử dụng Facebook có tên hiển thị là “Phát Lê” cùng một số thành viên khác chia sẻ, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau trong việc tìm mua tiền giả để lưu hành.

Hà trực tiếp liên hệ với đối tượng tên là Hải ở Bình Dương, tiêu thụ tiền giả. Điển hình, khoảng 19h ngày 7-3, Hà đến khu vực quận 3, TP Hồ Chí Minh mua của đối tượng này 5,7 triệu đồng tiền giả, loại mệnh giá 5 nghìn đồng với giá 1,9 triệu đồng tiền thật.

Tiền giả sau khi mua về, Hà loại bỏ 275 nghìn đồng không đảm bảo chất lượng. Sau đó, đối tượng gửi ra Nha Trang cho Trịnh Minh Hùng tiêu thụ giúp; đưa cho một đối tượng tên là Hải khoảng 600 nghìn đồng để Hải sử dụng, còn Hà dùng 140 nghìn đồng mua thuốc ăn, card điện thoại... số còn lại cất giữ chi tiêu dần.

Tiếp đó, vào ngày 11-3, Hùng nhận tiền giả do Hà gửi qua xe khách. Hùng loại bỏ 70 nghìn đồng tiền bị lỗi, giữ lại gần 3,8 triệu đồng.. Số tiền giả này, Hùng liên hệ với Phúc, lấy về 3,2 triệu đồng tiền thật. Hùng giữ lại 250 nghìn đồng, số còn lại gửi cho Hà.

Sau nhiều tháng xác minh, cơ quan An ninh điều tra xác định tên đầy đủ của đối tượng Hải ở Bình Dương là Trương Việt Hải (16 tuổi, ở phường 7, quận 8, TP Hồ Chí Minh). Trương Việt Hải là người sử dụng Facebook tên hiển thị là Phát Lê.

Đấu tranh với Trương Việt Hải, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã làm rõ và bắt giữ Phạm Huỳnh Tấn Tài (24 tuổi, ở tại quận 10, Tp Hồ Chí Minh) về hành vi lưu hành tiền giả.

Sau khi bị bắt giữ, Tài khai đã được người sử dụng Facebook Phan Chí giới thiệu, cung cấp số điện thoại của đối tượng cũng tên Hải và đã 2 lần mua tiền giả của đối tượng này.

Tổng hợp các nguồn tài liệu thu thập được, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa xác định trong đường dây này còn có một đối tượng tên Hải, đây chính là kẻ cầm đầu đường dây, nhưng anh ta là ai, đó là câu hỏi cần lời giải đáp.

Tìm vào Facebook của đối tượng này, lượng thông tin cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa thu được rất ít. Trong Facebook, chỉ có duy nhất tấm ảnh một người đàn ông đang ngồi trên võng.

Tuy nhiên, từ đây lực lượng trinh sát vẫn xác định được đối tượng là Bùi Quang Hải (33 tuổi, trú tại tỉnh Bình Dương), sinh viên của một trường đại học tại Nha Trang nhưng không tốt nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu tấm ảnh đối tượng đăng trên Facebook, các trinh sát phát hiện phía sau có rất nhiều bức tượng, thể hiện đó là một xưởng điêu khắc...

Từ thông tin này, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương đã xác định và bắt đối tượng này tại xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Vào thời điểm lực lượng An ninh điều tra ập vào bắt giữ, Bùi Quang Hải đang sản xuất tiền giả.

Tại cơ quan điều tra, Bùi Quang Hải khai nhận: Đầu tháng 1-2016, Bùi Quang Hải theo dõi trên mạng Internet thấy có nhiều thông tin, hình ảnh được các thành viên đăng tải, chia sẻ kinh nghiệm làm, mua bán tiền giả trên trang Facebook cộng đồng “mua bán tiền giả uy tín” đã nảy ý định làm tiền Việt Nam giả bán kiếm lời.

Từ giữa tháng 1-2016 đến đầu tháng 3-2016, Bùi Quang Hải lần lượt tìm mua nhiều máy in, giấy trắng khổ A4 để làm ra loại tiền giả có mệnh giá 5 nghìn đồng.

Theo suy nghĩ của Bùi Quang Hải thì loại tiền này dễ tiêu thụ, không bị phát hiện. Quá trình vận hành thiết bị và in thử, Hải loại bỏ dần các máy in hỏng.

Hải trực tiếp thực hiện các thao tác, giai đoạn làm tiền giả từ việc in, tạo mẫu, cắt xén đến khi tiền giả được làm hoàn chỉnh bằng phương pháp in màu trên thiết bị, nguyên vật liệu thông thường.

Bùi Quang Hải đã làm tổng cộng 23 triệu đồng tiền giả loại mệnh giá 5 nghìn đồng, bán cho nhiều người, thu lời bất chính gần 8 triệu đồng.

Quá trình đấu tranh mở rộng, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã làm rõ thêm hành vi của một số đối tượng có liên quan; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với đối tượng thứ 5 trong vụ án là Nguyễn Thị Thu Thảo (25 tuổi, ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) về hành vi lưu hành tiền giả.

Tác giả bài viết: Xuân Mai

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok