Biết rồi, khổ lắm, nói mãi
Hàn Quốc là thị trường lao động hấp dẫn đối với người dân xứ Nghệ vì an ninh tốt, an sinh bảo đảm, lương cao, ổn định (khoảng vài chục triệu đồng/tháng), không quá "kén" lao động. Từ năm 2005 đến 2016, Nghệ An có 7.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo EPS (chương trình lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc, hưởng các chế độ như những lao động tại bản địa). Hàng năm, có hàng nghìn lao động Nghệ An đăng ký đi làm việc tại quốc gia xứ sở kim chi.
Bên cạnh đó, tình trạng lao động Nghệ An ở Hàn Quốc hết hạn hợp đồng bỏ trốn ra ngoài làm “chui” đã diễn ra nhiều năm. Theo Sở LĐTBXH Nghệ An, vào tháng 8.2012, Nghệ An có 554 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, chiếm 71,3% số lao động hết hạn hợp đồng. Đến hết tháng 10.2014, số lao động hết hạn hợp đồng là 173 người nhưng có đến 48,5% cư trú bất hợp pháp. Đến cuối tháng 2.2016, Nghệ An có 1.450 lao động “chui” tại Hàn Quốc, đứng đầu cả nước (có 9.000 lao động của 15 tỉnh, thành cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc).
Cơ quan chức năng của Nghệ An đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ lao động Nghệ An sẽ bị Hàn Quốc từ chối tiếp nhận nếu không ngăn chặn được tình trạng lao động bỏ trốn.
Sở LĐTBXH Nghệ An đã phối hợp tổ chức hàng chục hội nghị tại các địa phương và 2 tọa đàm trên Đài Phát thanh - Truyền hình để tuyên truyền, vận động lao động tại Hàn Quốc về nước đúng hạn; tổ chức gặp mặt người lao động đăng ký dự tuyển đi Hàn Quốc tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong tỉnh cũng niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và khối, xóm danh sách lao động cư trú bất hợp pháp, danh sách người lao động sắp hết hạn hợp đồng chuẩn bị về nước; vận động gia đình cam kết, động viên người thân về nước đúng hạn; tuyên truyền về các chính sách ưu đãi và chế tài xử phạt.
Những nỗ lực nói trên đã có kết quả nhất định nhưng chưa đủ. Năm 2012, Nghệ An vận động được 234/788 lao động về nước đúng hạn (đạt 29,7%); năm 2013, vận động được 603/1.110 người (đạt 44,32%). Năm 2015, vận động được 497/818 người, giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp xuống còn 39,24%. Tháng 2.2016, vận động được 422/759 người, tuy nhiên tỷ lệ lao động “chui” vẫn chiếm 44,4%. Và hậu quả là Hàn Quốc đã “stop” lao động tại nhiều huyện của Nghệ An, gây ra nhiều hệ lụy nặng nề.
Áp lực về thu nhập?
Anh Nguyễn Văn Trung (Nam Đàn, Nghệ An) là lao động “chui” vừa bị trục xuất về nước chia sẻ: “Nguyên nhân lao động hết hạn hợp đồng không chịu về nước, chấp nhận làm lao động “chui” vì thu nhập tại đây quá hấp dẫn, khoảng vài chục triệu/tháng. Ai cũng cố làm thêm được tháng nào hay tháng ấy, chứ về nước thì công việc bấp bênh, thu nhập quá thấp. Do đó lao động chấp nhận sống chui lủi, trốn tránh, thậm chí nộp phạt… để bám trụ lại”.
Một nguyên nhân khác là không ít lao động phải bỏ ra quá nhiều tiền cho các chi phí để được xuất khẩu lao động, trong đó có chi phí môi giới, “cò”… ; việc được đi xuất khẩu trở lại phải qua thủ tục nhiêu khê, tốn kém và chờ đợi lâu nên tìm mọi cách nán lại kiếm thêm tiền.
Ở Hàn Quốc, cộng đồng người Việt khá đông đảo và cảnh sát truy quét không thường xuyên nên lao động “chui” càng dễ hoạt động. Có những trường hợp làm “chui” hàng chục năm vẫn không bị trục xuất.
Một nguyên nhân nữa thuộc về ý thức người lao động. Việt Nam là quốc gia đứng đầu bảng về số lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc, Nghệ An lại đứng đầu trong các địa phương cả nước. Ý thức tôn trọng pháp luật và giữ gìn hình ảnh quốc gia của một bộ phận người Việt chưa cao, là một nguyên nhân của tình trạng lao động “chui” và những hành vi vi phạm pháp luật khác tại nước ngoài.
Hàn Quốc cắt giảm mạnh hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam
Trước đây, mỗi năm Hàn Quốc tiếp nhận 10.000 – 12.000 lao động Việt Nam theo chương trình EPS, hàng năm gửi về nước khoảng 700 triệu USD. Tuy nhiên, lao động Việt Nam bỏ trốn sau khi hết hợp đồng quá nhiều, lên tới hàng chục nghìn người, dù phía Hàn Quốc có nhiều giải pháp ngăn chặn. Do đó, 3 năm gần đây, mỗi năm Hàn Quốc chỉ cấp hạn ngạch cho Việt Nam chỉ vào khoảng 3.000 – 3.500 lao động/năm, chưa bằng 1/3 con số trước đó.
Các tỉnh thành bị Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động gồm: Nghệ An (11 huyện thị); Thanh Hóa (4 huyện); Hà Tĩnh (5 huyện); Hà Nội (4 huyện); Hải Dương (7 huyện); Thái Bình (5 huyện); Nam Định (2 huyện, thành); Bắc Ninh (3 huyện); Quảng Bình (2 huyện); Hưng Yên (1).
* Clip nguyên nhân lao động Việt ở Hàn Quốc bỏ trốn
Tác giả bài viết: QUANG ĐẠI