Theo Sunday Times, nhóm đấu thầu của Qatar đã thuê các cựu điệp viên của Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) và một công ty truyền thông để “tuyên truyền thông tin giả về các đối thủ chính là Mỹ và Australia”. Thông tin được một người từng làm việc trong nhóm đấu thầu tiết lộ với tờ báo.
Ngày 29/7, CNN cho biết Ủy ban phụ trách tổ chức World Cup 2022 của Qatar “bác bỏ mọi cáo buộc đăng trên tờ Sunday Times” và khẳng định "đã nghiêm túc tuân theo những quy định của FIFA trong quá trình đấu thầu World Cup 2018/2022”.
Năm 2010, Cựu quốc vương Qatar Sheikh Hamad bin Khalifa Al-Thani nhận cúp từ Sepp Blatter, cựu chủ tịch FIFA, sau khi Qatar được công bố đăng cai tổ chức World Cup 2022. Ảnh: AP. |
Trước đây, Qatar cũng từng vướng vào cáo buộc hối lộ trong quá trình ứng cử đăng cai tổ chức World Cup. Tuy nhiên, sau cuộc điều tra kéo dài 18 tháng do công tố viên Michael Garcia dẫn đầu, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đã tuyên bố Qatar trong sạch vào năm 2014.
“Chúng tôi đã bị điều tra kỹ lưỡng và sẵn sàng cung cấp mọi thông tin liên quan tới việc đấu thầu, bao gồm cả vụ điều tra của công tố viên Michael Garcia”, Ủy ban tổ chức World Cup Qatar khẳng định.
Một trong những tiêu chí then chốt trong việc quyết định quốc gia đăng cai World Cup là sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân trong nước. Tuy nhiên, theo các email được tiết lộ, nhóm đấu thầu Qatar đã tuyển mộ những nhân vật có sức ảnh hưởng ở các nước đối thủ để họ chỉ trích việc chính phủ chạy đua giành quyền đăng cai, gây cảm giác các nước này thiếu sự ủng hộ tại quê nhà.
Trong chiến dịch của Qatar, một giáo sư được trả 9.000 USD để viết các bản báo cáo về thiệt hại World Cup gây ra tại Mỹ. Bản báo cáo sau đó được công khai trên truyền thông quốc tế. Một số nhà báo, người viết blog cũng được Qatar tuyển dụng để theo dõi đối thủ, tuyên truyền các bài tiêu cực và châm ngòi cho các cuộc biểu tình.
Email vào tháng 5/2010 cho thấy báo cáo về chiến dịch bôi nhọ đã được gửi từ công ty truyền thông Brown Lloyd James (BLJ) tới một cố vấn cấp cao của ban đấu thầu Qatar. Hiện CNN chưa liên lạc được với các văn phòng của công ty BLJ tại London.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải), Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani (trái) và Chủ tịch FIFA Gianni Infantino (giữa) trong lễ chuyển giao quyền đăng cai World Cup vào ngày 22/7. Ảnh: Getty. |
Quy định của FIFA nêu rõ những quốc gia ứng cử phải “kiềm chế đưa ra những lời tuyên bố bằng lời nói hoặc chữ viết dưới bất kỳ hình thức nào, dù có hại hay không, về chiến dịch đấu thầu, ứng cử của bất kỳ hiệp hội thành viên nào khác”.
Theo Independent, Lord Triesman, cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Anh đồng thời là chủ tịch ban đấu thầu Anh, kêu gọi FIFA “xem xét các bằng chứng kỹ lưỡng”, và cho biết Qatar không nên được phép đăng cai World Cup nếu có bằng chứng cho thấy nước này đã phạm luật.
Những cáo buộc mới đây “thêm dầu” vào các chỉ trích xung quanh việc Qatar đăng cai tổ chức World Cup. Năm 2017, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát hiện công nhân xây dựng tại Qatar, gồm cả những người xây sân vận động phục vụ World Cup, phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm.
Lúc đó, Sheik Saif Al Thani, giám đốc Văn phòng truyền thông chính phủ, nói rằng Qatar cam kết cải cách lao động và đang liên tục sửa đổi chính sách nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân làm việc tại công trường.
Tác giả: Ngọc Hà
Nguồn tin: zing.vn