Hàng loạt lãnh đạo PVN, PVC bị bắt, khởi tố liên quan tới dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. |
Liên quan tới vụ việc một số lãnh đạo vừa bị bắt tạm giam, Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) vừa phát đi thông cáo báo chí cho biết, đây là vụ việc liên quan đến giai đoạn trước, PVC hiện đã và đang phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra.
"Đồng thời, Tổng công ty cũng bố trí cán bộ thay thế để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Tổng công ty sẽ chủ động có thông tin cụ thể tới các cơ quan báo chí khi có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng", thông báo cho biết.
Như Dân trí đưa tin trước đó, nhằm tiếp tục mở rộng điều tra vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản" xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ngày 29/9/2017, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam một số lãnh đạo của PVC.
Theo đó, cơ quan điều tra tống đạt Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông Bùi Mạnh Hiển, Chánh Văn phòng Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam và ông Nguyễn Đức Hưng, nguyên Trưởng Phòng Tài chính, Kế toán Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam;
Đồng thời, tống đạt Quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Anh Minh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.
Cơ quan An ninh điều tra cho biết, các bị can bị khởi tố về hành vi "Tham ô tài sản" quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn các quyết định tố tụng của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra để xử lý đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, một số lãnh đạo khác của PVC và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng bị bắt giữ liên quan đến hành vi "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tổng Công ty PVC làm tổng thầu.
Về những sai phạm cụ thể tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, nguồn tin của Dân Trí cho biết, hồi tháng 3 năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo kiểm toán hé lộ một số sai phạm liên quan dự án này.
Theo kết luận kiểm toán, dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có hợp đồng EPC nhà máy chính quy định cấp chứng chỉ hoàn thành tạm thời tổ máy số 1 vào tháng 1/2015, tổ máy số 2 vào tháng 7/2015 nhưng đến tháng 8/2015 vẫn chưa có tổ máy nào hoàn thành.
Đến nay, dự án đã điều chỉnh tiến độ theo thông báo của Văn phòng Chính phủ tại văn bản 329/TP-VPCP ngày 2/10/2015, yêu cầu đưa các tổ máy vào vận hành trong tháng 9/2017 và tháng 3/2018.
Đáng lưu ý, công tác thanh - quyết toán vốn đầu tư cũng để xảy ra nhiều sai sót. Tại dự án này, chủ đầu tư là PVN đã tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1,3 ngàn tỷ đồng cho nhà thầu nhưng tổng thầu PVC đã chi chưa đúng mục đích tạm ứng 576 tỷ đồng và các bên vẫn chưa thu hồi được hết khoản tạm ứng trên.
Theo một nguồn tin khác, theo kết quả điều tra ban đầu, sau khi nhận được số tiền tạm ứng 1.080 tỷ đồng, PVC đã sử dụng 1.080 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỷ đồng; thanh toán lãi vay uỷ thác của Tập đoàn PVN 55 tỷ đồng; hỗ trợ vốn Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỷ đồng; hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỷ đồng; hỗ trợ vốn các công trình khác 156 tỷ đồng.
Ngoài ra, PVC còn sử dụng số tiền trên để góp vốn vào 5 công ty con gồm: Công ty PVC-MS 102 tỷ đồng; Công ty PVC-Land 50 tỷ đồng; Công ty PVC-Hoà Bình 55 tỷ đồng; Công ty PVNC 30 tỷ đồng và Công ty PVC-Mekong 30 tỷ đồng. Đến nay có 3 công ty kinh doanh thu lỗ không thu hồi được vốn, PVC đã phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí